Những cổ phiếu lội ngược dòng thị trường

Thứ tư, 28/12/2011, 09:26
Tuy không phải số đông nhưng vẫn có DN giữ được giá cổ phiếu của mình, bất chấp TTCK sụt giảm. Họ đã làm như thế nào?


Đa phần DN làm ăn tốt đều là những đơn vị có chiến lược kinh doanh rõ ràng

 

Kinh doanh ổn định và tăng trưởng

Trong số 36 cổ phiếu niêm yết còn giữ được phong độ và trụ lại ở mức giá trên 30.000 đồng/CP, phần lớn đều là những cổ phiếu không chịu biến động bởi đà sụt giảm mạnh của thị trường.

Chẳng hạn, suốt năm qua, trong khi VN-Index sụt giảm 26%, HNX-Index giảm 51% và nhiều cổ phiếu mất hơn 50%, thậm chí 70 - 80% thì giá cổ phiếu của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) lại tăng 17,6%.

Lội ngược dòng thị trường còn có các tên tuổi như Vinamilk (VNM), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)... Các cổ phiếu FPT của CTCP FPT, ABT của Thủy sản Bến Tre, DMC của Domesco, IMP của Imexpharm… tuy có giảm giá so với thời điểm đầu năm, nhưng mức giảm không đáng kể.

Trong một cục diện mà 62,3% cổ phiếu trên sàn đang về dưới mệnh giá, theo thống kê từ CTCP Tư vấn đầu tư Cây cầu Vàng thì diễn biến giá cổ phiếu của các tên tuổi trên quả là nổi bật. Hơn ai hết, cổ đông nắm giữ cổ phiếu là những người cảm thấy hài lòng nhất.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, không phải tự nhiên mà nhà đầu tư luôn đánh giá cao cổ phiếu của những đơn vị này. Xét trường hợp VNM, 3 năm nay, VNM luôn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50%. Đặc biệt, trong năm 2011, Vinamilk đã tạo nên một cuộc bứt phá khi xuất khẩu sản phẩm sữa sang 15 quốc gia như USA, Australia, Canada, Nga… với kim ngạch ước 130 triệu USD. Trong chiến lược phát triển dài hạn, Vinamilk sẽ đầu tư theo chiều sâu để trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Với đặc thù ngành nhu yếu phẩm, ít chịu ảnh hưởng từ điều kiện vĩ mô, lại không ngừng đầu tư phát triển và mở rộng, VNM luôn là tâm điểm săn lùng của giới đầu tư. Các tổ chức ngoại luôn “canh me” để được sở hữu cổ phần tại VNM.

FPT, DHG, PNJ, DMC… tuy khó so kè với VNM vì tính chất ngành nghề, nhưng nhìn chung, đây đều là những đơn vị đầu ngành và kinh doanh tốt. Chưa hết năm nhưng phần lớn các công ty này đều công bố, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.

Chiến lược IR hiệu quả

Rõ ràng, nội lực vững mạnh đã giúp các DN tự tin cán đích chỉ tiêu kinh doanh, qua đó giúp DN giữ được giá cổ phiếu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá triển vọng doanh nghiệp thường không chỉ dựa vào con số.

Bằng chứng, vẫn có các công ty như PVDrilling (PVD), Cao su Đồng Phú (DPR) đạt kết quả kinh doanh khả quan nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm. So với thời điểm đầu năm, giá PVD đã giảm 38%, còn giá cổ phiếu DPR thì giảm 34,6%. Nhìn rộng hơn là hiện tượng hàng trăm cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, giá cổ phiếu của họ suy giảm hoàn toàn do TTCK tác động, chứ bản thân doanh nghiệp vẫn tốt. Một chuyên gia cho rằng, nhìn nhận này không sai, nhưng cũng không thật đúng.

Tại sao cùng là kinh doanh tốt, cùng phát triển ổn định nhưng có DN giữ được giá trị công ty, bảo vệ được giá cổ phiếu, có DN lại không làm được? Câu trả lời, theo chuyên gia Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM nằm ở khả năng quản trị công ty, quản trị thông tin của mỗi doanh nghiệp.

Thực tế, đa phần doanh nghiệp làm ăn tốt đều là những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Chiến lược này gồm cả ngắn hạn và dài hạn, bao quát nhiều mặt hoạt động, từ sản xuất, bán hàng, marketing đến quản trị tài chính, quản trị rủi ro và con người… Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở năng lực của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo dày dạn và thấu đáo sẽ đề ra chiến lược hợp lý. Họ sẽ không quá chủ quan hay quá tự tin khi vạch ra các kế hoạch. Mỗi kế hoạch đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, với những dự báo chính xác nhất có thể.

Thậm chí, như DHG còn nghĩ tới khả năng những gì làm tốt hôm nay có thể ngày mai sẽ không còn tốt nữa. Vì thế, theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Giám đốc Marketing của DHG, nghĩ đến những kịch bản xấu có thể xảy ra, tìm cách đổi mới, tìm hướng thay thế là việc mà Công ty sẽ làm trong năm 2012.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp này đã không giấu giếm các chiến lược này, thông qua những chương trình cung cấp thông tin chi tiết và xuyên suốt. Vì thế, cổ đông luôn nắm rõ và ủng hộ những kế hoạch của công ty.

Theo ĐTCK

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích