Quỹ mở có gỡ quỹ đóng?

Thứ tư, 28/12/2011, 15:45
Liệu việc cho phép thành lập quỹ mở có tháo gỡ được các khó khăn hiện tại của công ty quản lý quỹ, trước thời điểm rút vốn dự kiến diễn ra từ năm 2012?



24.000 tỉ đồng: Số tiền các quỹ đầu tư đóng tại Việt Nam dự kiến bắt đầu rút vốn trong năm 2012, khi các quỹ đã đến hạn giải thể.

 

Theo tin của Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), các quỹ đầu tư đóng tại Việt Nam dự kiến bắt đầu rút vốn ồ ạt với tổng giá trị lên tới hơn 24.000 tỉ đồng trong năm 2012. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán cũng như thị trường tài chính Việt Nam.

Quỹ cũ đi, quỹ mới chưa đến

Cách đây một năm, ông Louis Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), từng dự báo, xu hướng giao dịch chứng chỉ quỹ với mức chiết khấu lớn so với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) còn có thể kéo dài tới hết năm 2011, thậm chí sang đến 2012. Vì theo ông, các quỹ đầu tư tại Việt Nam đều là quỹ đóng, tức bị giới hạn về thời gian hoạt động, thường từ 5-8 năm.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2011 nhưng hầu hết các quỹ đầu tư đều xem như trắng tay trong việc huy động quỹ mới. Thực trạng này càng được khẳng định bởi báo cáo cập nhật của Tổ chức tài chính LCF Rothschild (Anh) về kết quả hoạt động của hơn 100 quỹ đầu tư trên toàn cầu hôm 22.12. Theo đó, hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều có mức tăng trưởng NAV âm khá lớn.

Dẫn đầu nhóm này là quỹ hạ tầng VNI của VinaCapital với -57,3%; Quỹ chứng khoán VEH của SAM (-49,6%) và VOF cũng của VinaCapital (-40,2%). Hiện nay NAV của VOF chỉ còn 708 triệu USD so với mức 759 triệu USD vào ngày 30.6.2011. Bức tranh không mấy sáng sủa của các quỹ đầu tư năm nay còn được bổ sung bằng gam màu tối từ mảng bất động sản với mức tăng trưởng NAV trung bình của nhóm 5 quỹ đầu tư bất động sản gồm Aseana Properties, JSM Indochina, VPF, VPH và VNL là -36,4%. Trong đó, tăng trưởng NAV của VPH (SAM) và VNL (VinaCapital) lần lượt là -37,9% và -47,8%.

Giải thích cho lý do trắng tay trong việc huy động quỹ mới, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết, năm nay, hoạt động của VinaCapital bị ảnh hưởng không nhỏ do bất ổn vĩ mô và thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, hiện nhà đầu tư nước ngoài còn có thêm nhiều lựa chọn hơn, như thị trường chứng khoán Mỹ với mức định giá tương đối hấp dẫn hay thị trường bất động sản toàn cầu đang ở giá khá thấp. Vì vậy, dòng tiền đổ vào các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines dự kiến sẽ giảm. Theo ông Louis, SAM, với mức lãi suất cho vay từ 20-22% và chênh lệch tỉ giá VND/USD có khi đến 15%, không có quỹ đầu tư chứng khoán nào có thể vượt ngưỡng này để đạt mức tăng trưởng NAV dương trong năm 2011. “Tình hình hiện rất xấu nên việc không thể huy động quỹ mới là chuyện tất nhiên”, ông nói.

Cần nhắc lại, theo kế hoạch của năm 2011, SAM dự định thành lập 3 quỹ mới gồm 1 quỹ đầu tư năng lượng và dầu khí, 1 quỹ bất động sản và 1 quỹ hàng hóa kỳ hạn (ETF) với tổng giá trị NAV lên tới 350 triệu USD. Trong khi đó, Indochina Capital đã lên kế hoạch huy động 50-100 triệu USD cho một quỹ mở đặt ở nước ngoài chuyên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. VinaCapital cũng dự kiến lập 2 quỹ mới gồm 1 quỹ bất động sản và 1 quỹ đầu tư vào các công ty cổ phần tư nhân với quy mô từ 200-300 triệu USD/quỹ.

Trước tình hình hoạt động không mấy khả quan của các quỹ đầu tư cũng như kế hoạch lập quỹ mới vẫn chưa thấy lối ra, Thông tư 183 của Bộ Tài Chính ban hành hôm 16.12 về hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở đang thu hút sự quan tâm của giới tài chính và các nhà đầu tư. Họ kỳ vọng khung pháp lý này sẽ dần tháo gỡ được các khó khăn hiện tại của quỹ đóng.

Vốn có ở lại?

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết việc ban hành khung pháp lý cho quỹ mở đã được chuẩn bị từ hơn một năm nay và là bước đi phù hợp với nhu cầu thị trường, theo hướng tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Đây cũng là mong mỏi của các nhà đầu tư tổ chức. “Thông lệ thế giới cho thấy hình thức quỹ đóng chỉ tồn tại trong thời gian đầu, khi thị trường tài chính mới hoạt động. Hiện nay, có rất ít quỹ đóng trên thế giới và các quỹ mở chiếm đến 98%”, ông Hùng cho biết.

Đặc trưng của quỹ mở là dòng vốn có thể rút ra nhanh trước những biến động bất lợi, qua đó làm cho thị trường chứng khoán dao động mạnh. Cụ thể, sau khi huy động vốn thành công, chứng chỉ quỹ của quỹ mở sẽ không qua niêm yết. Các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp giữa nhà đầu tư với công ty quản lý quỹ, căn cứ vào thời điểm thỏa thuận. Ví dụ: Chứng chỉ quỹ X có NAV là 10.000 đồng hiện giao dịch với giá 8.000 đồng. Nếu A là quỹ đóng, nhà đầu tư muốn thu hồi vốn sẽ phải bán chứng chỉ quỹ trên thị trường với giá 8.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Nếu A là quỹ mở, nhà đầu tư có thể bán chứng chỉ quỹ cho chính quỹ đó với số tiền đương đương 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ. Vì vậy, thị giá chứng chỉ quỹ mở luôn theo sát NAV. Đó là một lợi thế lớn hơn nhiều so với hầu hết các quỹ đóng hiện nay luôn có mức chiết khấu so với NAV có thể lên tới 40-50%. Ưu điểm này chính là động lực để các công ty quản lý quỹ đóng tại Việt Nam cân nhắc việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang dạng quỹ mở để có thể hỗ trợ nhà đầu tư rút vốn sát với NAV. Ngoài ra, theo ông Hùng, Ủy ban Chứng khoán, quỹ mở là nền tảng cơ bản để các tổ chức tài chính hình thành các công cụ đầu tư khác nhau nhằm thu hút nhà đầu tư như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ đầu tư hàng hóa kỳ hạn, các sản phẩm bảo hiểm liên kết, quỹ đầu tư trái phiếu...

Một vấn đề cần được đặt ra: liệu Thông tư 183 có phải là một trong những giải pháp nhằm giữ chân các quỹ đóng trước thời điểm rút vốn đang gần kề?

Trước hết, việc ra đời quỹ mở cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với những quỹ đóng có nhu cầu thoái vốn, đồng thời khung pháp lý này sẽ cho phép các quỹ đóng chuyển đổi thành quỹ mở trước thời hạn. Điều này sẽ làm giảm sức ép giải thể quỹ và tiếp tục duy trì được dòng vốn đầu tư vào thị trường.

Tuy nhiên, ông Phan Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital, cho rằng các ưu điểm của quỹ mở như đã đề cập chỉ là phần ngọn vì gốc của vấn đề chính là các tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực trong thời gian tới. Trên thực tế, giới quản lý quỹ đầu tư nước ngoài thường xem xét khá kỹ xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam để có thể bắt mạch và đón đầu cơ hội tiếp tục hút vốn từ các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng trước mắt, họ phải giải cho được những bài toán hóc búa như mức lạm phát trong nước dự kiến sẽ là bao nhiêu trong năm 2012, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng như thế nào, tỉ giá sẽ ổn định ra sao?

Trong khi hiện vẫn còn quá sớm để trả lời các câu hỏi này thì một phần dòng vốn ngoại đang được rút ra qua niêm yết và chảy vào các doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường. Chẳng hạn, Masan vừa phát hành thêm 100-200 triệu USD cổ phiếu cho nước ngoài và chuẩn bị phát hành vào đầu năm 2012, Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật) bỏ ra tới 500 triệu USD để mua cổ phần của Vietcombank.

Gần đây, ông Hans Christian Jacobsen, Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư cổ phần tư nhân PENM (Đan Mạch) cho biết Quỹ PENM III đã được huy động thành công số vốn lên tới 143,5 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, xây dựng, bán lẻ. Tuy nhiên, việc quỹ này chưa hề công bố thông tin chính thức cũng đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi của nó.

Tương tự, Dragon Capital từng công bố gọi thêm khoảng 150 triệu USD cho quỹ đầu tư tư nhân trong 6-12 tháng tới hay một quỹ khác có số vốn hơn 100 triệu USD đã hoàn tất huy động từ các nhà đầu tư tài chính Luxembourg và chuẩn bị giải ngân từ tháng 3 năm sau. Như vậy, vấn đề vốn có ở lại Việt Nam hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn phía trước khi thời điểm triển khai Thông tư 183 đã gần kề.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Các tin cũ hơn