Không phải cứ ngân hàng nhỏ là yếu

Thứ năm, 29/12/2011, 10:38
“Sức khỏe” của các ngân hàng hiện nay ra sao, trong khi nợ xấu của một số ngân hàng đang ở tình trạng đáng ngại? Đó là câu hỏi đang được dư luận đặt ra trước việc các NH phải lựa chọn hoặc phải sáp nhập hoặc là phá sản...


 

Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quy - nguyên hiệu phó, trưởng khoa Tài chính ngân hàng trường Đại học Ngoại thương đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Nguoiduatin.vn.

Cần minh bạch hóa thông tin

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sức khỏe hệ thống NH hiện nay?

Theo quan sát và phân tích của tôi, hiện hệ thống NH vẫn hoạt động ở mức sơ khai, chưa phát triển bền vững ổn định. Tái cấu trúc hệ thống NH đã nói tới rất lâu, kể cả NHNN  vai trò cũng chưa độc lập như các NH Trung ương trên thế giới, vai trò vẫn bị lẫn lộn khi vừa là người đưa ra chính sách và thực thi chính sách. Theo tôi, để tránh kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi", buộc NHNN cần phải đứng độc lập về điều hành quản lý. Những NH không có năng lực tài chính, rủi ro nhiều, dư nợ cao, nợ xấu, thanh khoản thấp thì nên tái cấu trúc càng sớm càng tốt, để hệ thống tài chính Việt Nam lành mạnh hơn.

Các NH đang ngấp nghé giữa sự lựa chọn buộc phải sáp nhập hoặc là phá sản, nên làm gì lúc này, thưa bà?

Minh bạch hóa thông tin theo tôi vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, các NH phải sàng lọc lại toàn bộ vấn đề đang tồn tại: Nợ xấu, dư nợ, tỷ lệ an toàn vốn... Khi các mục tiêu trên không đảm bảo thì rõ ràng chuyện tái cấu trúc sẽ phải tính tới nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Về phía cơ quan quản lý, để "quản" được số lượng lớn NH hiện nay và đưa số này vào hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải tuân thủ theo ba - rem về: Tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu, quản lý thị trường, và hệ thống giám sát thanh tra của NHNN cũng phải chặt chẽ hơn.

Tình trạng nợ xấu của một số ngân hàng là đáng báo động. Theo bà để "quét sạch nợ xấu", giải pháp đầu tiên cần phải làm là gì?

Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu có rất nhiều giải pháp, trước tiên phải kiểm tra khối lượng tín dụng, khối lượng cho vay, thẩm định lại vấn đề cho vay thông qua các hồ sơ, khách hàng có khả năng trả nợ hay không? Vấn đề này từ trước tới nay chúng ta vẫn làm chưa tốt,  đặc biệt là các ngân hàng (NH) có trợ cấp vốn thông qua tái cấp vốn từ NH Nhà nước.

Giải quyết nợ xấu trước hết phải giải quyết câu chuyện cho vay tín dụng, khả năng trả nợ của DN đối với các khoản vay tín dụng bất động sản trước đây. Chứng khoán hóa các khoản nợ, các công ty mua lại nợ. Mặt khác chúng ta cũng gặp rất nhiều rủi ro nếu mục đích mua lại nợ của các công ty không đúng đắn. Khó nữa là để xác định tỷ lệ mua thế nào, trong mua bán nợ, quản lý của Nhà nước. Phải giải quyết vấn đề cho vay trước khi bàn tới câu chuyện đó.

Không phải cứ nhỏ là yếu

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu hệ thống NH là sáp nhập, mua bán lại số các NH nhỏ, yếu. Bà nhận định thế nào về ý kiến này?

Nếu nói năng lực tài chính NH quyết định giá trị, quản trị rủi ro của NH thì những NH lớn có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ được đánh giá cao hơn. Nhưng xét từng góc độ cụ thể,  nhiều NH được cho là nhỏ nhưng không hề yếu trên từng lĩnh vực hoạt động của mình. Ngược lại, có những NH mạnh về quy mô, bề dày hoạt động, nhưng năng lực tài chính chưa chắc đã mạnh.

Chúng ta đã hội nhập thì chắc chắn sẽ cần những NH đủ sức khỏe để cạnh tranh, hoạt động kinh doanh an toàn. Những NH tiềm lực tài chính yếu, cứ lao vào cuộc đua tăng vốn điều lệ, trong khi yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không đáp ứng được thì phải xét tới chuyện "hợp lực" cùng NH khác. Tuy nhiên, xu hướng sáp nhập các NH lại với nhau sẽ khó xảy ra ồ ạt, nó là câu chuyện của tương lai.

Có một số lý do để đưa ra kết luận này. Thứ nhất, hiện nay NH Việt Nam kể cả lớn, nhỏ đều đang tìm đối tác chiến lược nước ngoài để mua lại cổ phần; một số NH lớn có tiềm lực có thể phát triển thành tập đoàn thì vẫn phải tồn tại trong một nền kinh tế phát triển chứ không thể để các công ty này hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Tiếp theo, đó là áp lực tăng vốn điều lệ của NHNN đối với các NH nhỏ. Vì khi bị mua bán sáp nhập thì vai trò của nh trong nước sẽ bị lép vế hoàn toàn, lúc đầu chỉ có thể là mua lại sáp nhập và tiến tới là thâu tóm hoàn toàn. NH trong nước mất thị phần trong nước, phụ thuộc hoàn toàn vào các NH ngoại, điều này thì chẳng ai mong muốn. Do đó, việc sáp nhập hiện tại chưa quá áp lực.

Xin cám ơn bà!

Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn