Cuối năm: Dân BĐS gán nhà lấy tiền chi tiêu

Thứ bảy, 31/12/2011, 08:06
Cuối năm, tài chính khó khăn, tiền mặt cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp BĐS chỉ còn cách chi tiêu, trả nợ bằng chính sản phẩm nhà đất. Chủ nợ thì không phải ai cũng thích cách này nhưng cũng đành chịu.


 

"Chia ngọt sẻ bùi"

Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên tình trạng nợ đọng ngày càng thêm nghiêm trọng. Không còn cách nào khác, nhiều đơn vị chỉ mong chờ các chủ nợ nhận bằng sản phẩm.

Mới đây, giới quan sát trên thị trường BĐS Hà Nội tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến chương trình quảng cáo, tiếp thị rầm rộ dự án của một chủ đầu tư nội trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi lẽ, ở thời điểm này, có được số tiền hàng tỷ đồng để chi cho quảng cáo là điều không đơn giản.

Tuy nhiên, nội tình của việc này lại không phải là tiền của chính doanh nghiệp chi ra như người ta nghĩ, mà để đối lấy hợp đồng quảng cáo giá trị tới 4 tỷ đồng, công ty BĐS đã phải gán 1 lô biệt thự của dự án họ đang triển khai cho phía công ty truyền thông.

Đại diện công ty truyền thông cho biết, thay vì tiền mặt việc lấy lô biệt thự để làm vốn cho công ty sau này cũng là một cách giúp cho cả hai bên. Phía doanh nghiệp không phải lo tiền quảng cáo, còn phía công ty truyền thông lại có việc để làm trong hoàn cảnh doanh nghiệp nào cũng đang cắt giảm.

"Nếu công ty truyền thông không có vốn lớn thì việc kẹt lại số tiền lớn vào BĐS sẽ gây thiệt hại cho chính bản thân doanh nghiệp. Trong tình cảnh hiện nay, không biết thị trường bao giờ hồi phục, lô biệt thự đó chắc làm của để dành" - vị đại diện này bày tỏ.

Tại một dự án căn hộ chung cư ở Thanh Xuân, chủ đầu tư cũng trả tiền cho một nhà thầu bằng cách bán lại 2 sàn căn hộ với giá ưu đãi. Đơn vị nhà thầu "từ chối đây đẩy" khi đang cần lượng tiền mặt để trả cho đối tác cũng như nhân viên.

Ông Nguyễn Duy Long, giám đốc một nhà thầu thi công cho biết, chuyện chủ đầu tư trả nợ bằng sản phẩm xưa nay không phải là hiếm. Thiếu tiền chỉ còn cách chuyển nhượng lại một phần dự án của mình cho đơn vị nhà thầu là cách giải quyết tốt nhất. Khi thị trường sáng sủa, lấy lại một phần dự án để bán sẽ có lãi nhưng trong tình cảnh hiện nay, việc trả nợ bằng sản phẩm chẳng khác nào chuyển khó khăn từ chủ đầu tư sang đối tác.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) đưa ra hai phương án chi trả cổ tức năm 2010, trong đó phương án một là sẽ trả cổ tức bằng căn hộ hoặc đất nền cho các cổ đông. Ông Huỳnh Hữu Phước - Chủ tịch HĐQT CIC8 giải thích do thị trường BĐS đang rơi vào khó khăn toàn diện, nhiều sản phẩm của CIC8 chưa bán được, nên mong muốn các cổ đông chia sẻ khó khăn với công ty.

Đại diện của CIC8, cho biết đây là một trong những cách bán hàng của công ty trong tình hình khó khăn hiện nay. Bên cạnh việc chào bán sản phẩm của mình tới các khách hàng bên ngoài, việc đưa ra chọn lựa để cổ đông dùng cổ tức đầu tư vào căn hộ cũng phần nào giúp tiêu thụ bớt sản phẩm.

Cổ đông, nếu tham gia, sẽ dùng tiền cổ tức của mình để đóng tiền theo tiến độ của dự án. Tuy nhiên, phương án trả cổ tức bằng căn hộ và đất nền chỉ phù hợp với những cổ công nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại CIC8. Được biết các sản phẩm căn hộ và đất nền của CIC8 có giá trị từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng, tùy dự án.

Sẽ còn khắc nghiệt

Theo TS Lê Chí Hiếu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, năm 2011 tình hình kinh tế vĩ mô càng khó khăn, thị trường bất động sản phải chịu tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và áp lực trả nợ vay ngân hàng về cuối năm đã buộc các doanh nghiệp phải mạnh tay hơn trong việc thanh lý dự án để thu hồi vốn.

Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên tình trạng nợ đọng ngày càng thêm nghiêm trọng. Nếu không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn, hoãn các khoản nợ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản và các dự án BĐS sẽ phải dừng lại.

Ở tầm vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp cũng phải chịu quy luật phát triển, có đơn vị bị đào thải nhưng vẫn có những đơn vị đi lên. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường.

Dự báo tình hình năm 2012, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra những nhận định không mấy sáng sủa. Tình hình kinh tế mặc dù hiện nay đã đạt được những mục tiêu đề ra của năm 2011 tức là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhưng nguy cơ mất ổn định, đặc biệt là tác động của suy thoái kinh tế, cũng như nội tại vẫn còn.

Nguyên nhân của thị trường bất động sản như hiện nay có phần trách nhiệm trong sự quản lý của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát phát triển chưa đồng đều.

Kinh tế năm 2012 cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà tăng cường kiềm chế lạm phát. Vì thế, ít nhất trong 6 tháng nữa, BĐS vẫn phải tiếp tục chịu đựng khó khăn.

"Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả, phát triển đồng bộ các thị trường trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản, lao động, hàng hóa. Lúc này, doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc, trước hết là về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn, để có thể đứng vững trong thị trường khắc nghiệt như hiện nay" - Bộ trưởng đưa ra lời động viên.
 

Theo Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn