Vàng và USD: Chờ ngày bình yên

Thứ bảy, 31/12/2011, 08:04
Vàng và USD - những tài sản tích lũy quen thuộc của người dân Việt Nam - mà họ đã phải sống với chung qua một năm nhiều biến động và chưa có nhiều hứa hẹn về tương lai bình yên.


 

Bình ổn vàng: Đường còn xa

Ngày áp chót của năm 2011, thị trường vàng lại biến động. Mức giá chiều ngày 30/12 đã về gần 41 triệu đồng/lượng, so với đỉnh điểm 49 triệu của cơn sốt hồi tháng 8, vàng đã có một quãng biến động lớn.

Từ đây, nhìn lại có thể thấy vàng đã có một năm quá nhiều biến động, vượt qua kiểm soát. Sự bất lực đã quá quen trên thị trường vàng khi cơ quan quản lý không có cách gì ngoài việc tuyên bố trấn an và cuối cùng cho nhập khẩu vàng. Dường như, người ta chưa muốn tìm để trị tận căn nguyên của sốt và làm giá của vàng. Mặc cho sự biến động đó đang tác động tới kinh tế vĩ mô.

Ghi dấu sự biến động của vàng chính là cơn sốt hồi tháng 8/2011. Giá vàng đã đã đạt đỉnh cao hơn 49 triệu đồng/lượng. Cao hơn giá thế giới 4 -5 triệu đồng. Thậm chí, vàng bất ngờ trở nên khan hiếm và không có để bán. Và từ đó, giới kinh doanh có lý do để làm giá và kiếm lãi.

Tại thời điểm đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đứng đầu đã phải chấp nhận cho nhập khẩu để hạ giá vàng. Tuy nhiên, bài thuốc cũ đó chỉ có tác dụng "cắt sốt" rất ngắn vì chỉ sau một thời gian vàng lại sốt, lại bị cho là làm giá diễn ra ngang nhiên.

Một nhân tố mới đã xuất hiện, Tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có hàng loạt biện pháp để bình ổn giá vàng với phương châm lấy nguồn vàng trong nước để bình ổn vàng. Một nhóm gồm SJC và 5 ngân hàng đã được chọn để thực thi bình ổn giá vàng. Các ngân hàng và SJC được ưu đãi sử dụng vàng huy động tiết kiệm của dân để bán ra, các đơn vị này được cấp phép để kinh doanh vàng trên tài khoản nhằm cần bằng nguồn vàng.

Ngân hàng Nhà nước đề ra, các DN này sẽ bán hàng với giá bình ổn sát với giá thế giới để ổn định thị trường. Và lần đầu tiên, một khái niệm vàng bị làm giá đã được đưa ra là khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 400.000 đồng.

Trong suốt 5 tháng qua, dù lượng vàng bán ra rất nhiều, nhưng các DN bình ổn vàng chưa bao giờ đưa giá vàng về được khoảng cách trên. Thông thường, khoảng cách vẫn được duy trì ở mức 2 triệu, thời điểm thấp nhất là hơn 1 triệu đồng... những ngày giữa tháng 12, vàng lại lên cơn sốt và khoảng các giá lại được đẩy lên một mức cao hơn khoảng 3 - 4 triệu đồng.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã cho rằng trong khi mục tiêu giá vàng chưa được bình ổn thì các đơn vị bình ổn vàng đã kiếm lãi lớn từ việc thực hiện bình ổn giá. Từ đó, những nghi vấn về về đầu cơ kiếm lãi từ chính sách, nhóm lợi ích đã được đặt ra với nhóm bình ổn vàng thường được gọi là G1+ 5.

Trong khi đó, chính sách về quản lý vàng miếng đã chính thức công bố lấy ý kiến để trình lên Chính phủ vào đầu tháng 11.

Theo đó, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. 7 đơn vị có tên tuổi như Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và hai doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bị ra rìa.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố trước Quốc hội, vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia của Nhà nước. Hệ quả là ngay sau đó, vàng nhãn hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu bị giảm giá mạnh, người dân lo lắng khi không đang nắm giữ vàng nhãn hiệu khác. Các doanh nghiệp còn lại lo ngại về việc sẽ phải ngừng kinh doanh vàng và thị trường.

Đây là chính sách mạnh mẽ nhất đối với và và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của hơn 10.000 cửa hàng vàng trên toàn quốc, quyền tích trữ vàng của dân. Và câu hỏi được đặt ra là độc quyền Nhà nước ở thị trường vàng liệu có bị biến thành lợi ích nhóm?.

Tình hình này vẫn tiếp tục diện ra cho đến ngày tận cùng của năm 2011. Và khi ngân hàng Nhà nước cho rằng giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường thì thực tế là một câu trả lời khác.

Vì thế, đối với nhiều người, bình ổn giá vàng vẫn còn là một chặng đường rất xa.

USD - chưa thể hết lo

Ngày gần cuối năm, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lần cuối đưa tỷ giá cơ bản lên mức 20.828 đồng/USD. Như thế, cơ quan điều hành đã thực hiện đúng lời hứa tỷ giá tăng không quá 1% trong những tháng cuối năm.

Chính vì thế, trong một lần trao đổi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tâm sự, ông đã thực hết được các lời hứa khi lên nhậm chức. Đó thực sự là một nỗ lực lớn thể hiện "nói là làm" mà vị thống đốc này từng thể hiện.

Sự ổn định của thị trường USD trong cả năm qua phải kể đến cú sốc tăng tỷ giá hồi đầu năm lên 9,3%. Đó là mức tăng lớn nhất trong một lần điều chỉnh từ trước đến nay. Nhưng song hành cùng với những phản ứng và lo ngại của khối DN thì các chuyên gia lại tỏ ra có nhiều đồng tình.

Sự đồng tình đó bắt nguồn từ đề xuất từ lâu chưa thực hiện là việc đưa tỷ giá chính thức theo sát tỷ giá thực tế. Điều này sẽ giúp giải quyết những hệ lụy từ trước đến nay vẫn phải đối mặt là khan hiếm USD, mua bán USD sai tỷ giá và thị trường chợ đen phát triển, thói quen vay tín dụng USD...

Và lần này, cơ quan điều hành đã vượt qua lo ngại phải mang tiếng phá giá VND, gia tăng trách nhiệm nợ vay nước ngoài, sức ép tăng chi phí nhập khẩu và nhập siêu... để tạo ra một mặt bằng mới và ổn định mới cho USD.

Đi cùng đó, hàng loạt biện pháp khác để kiểm tra quản lý thị trường tự do, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng, bắt buộc DNNN bán USD cho ngân hàng, liên tiếp hạ lãi suất huy động USD để chuyển quan hệ tín dụng ngoại hối sang hướng mua bán nhằm triệt tiêu những thiệt hại do biến động tỷ giá trong tương lai... Theo đó, nguồn cung USD tăng lên đáng kể, là thị trường chợ đen USD đã bị khắc chế và lụi dần.

Sự bình ổn trong cả năm qua có thể nói là thành công lớn nhất của quản lý tiền tệ trong năm qua. Điều đó càng được tô điểm khi con số nhập siêu trong năm nay giảm mạnh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nổi. Để có sự ổn định dài hạn thì còn rất nhiều yếu tố cơ bản phải được thiết lập trong thời gian tới.

Dù có giảm nhưng nhập siêu vẫn ở mức cao, những kết quả đó dựa nhiều vào các quyết định hạn chế nhập khẩu mang tính hành chính, còn sự gia tăng xuất khẩu và nhất là sự tăng trưởng để thay thế các hàng nhập khẩu của khối công nghiệp vẫn chưa thể hiện rõ. Tất nhiên, khi nhập siêu cao thì cân đối cán cân ngoại hối luôn bấp cập. Thiếu hụt USD có nghĩa sẽ kéo theo những sự thiếu hụt, tăng giá... trong khi những trông mong từ FDO và FII không còn như xưa.

Nguồn cung của USD trong hệ thống ngân hàng thời gian qua tăng lên nhưng không bền vững vì chủ yếu là do các DNNN buộc phải bán vào. Còn thực chất, các ngân hàng vẫn căng thẳng về USD, các ngân hàng Việt Nam đang phải vay nước ngoài khoảng 5 tỷ USD để bù đắp cho những khoản thiếu hụt. Trong khi đó, những nguồn bổ sung khác như: FDI, FII trong năm ua và dự báo năm tới còn khó khăn.

Trong khi đó, tín dụng USD tăng cao liên tục và đến nay vẫn còn là một khối nguy cơ chưa được giải hết.

Vì thế, không có gì lạ khi thi trường đạt sự bình ổn vào cuối năm nhưng lo ngại về một lần tăng giá nữa sẽ đến vào đầu 2012 vẫn hiển hiện.

Về dài hạn, khi chưa có được sự cân đối về cán cân ngoại hối và sự quản lý đồng bộ thì cách được nhiều người đề cập là thêm một lần điều chỉnh tỷ giá. Và như thế, liệu có xảy ra những biến động và 2012 có thể hy vọng vào sự bình ổn của USD?.
 

Theo  VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn