Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD

Thứ bảy, 31/12/2011, 07:54
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 30/12/2011, Việt Nam có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, các dự án tập trung chủ yếu tại Lào (3,4 tỷ USD), Campuchia (2,1, tỷ USD), Venuezela (1,8 tỷ USD), Nga (776 triệu USD), Peru (508 triệu USD), Malaysia (412 triệu USD), Modambic (345 triệu USD)... Vốn thực hiện lũy kế đến nay ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó khoảng 1,4 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí; Lào đạt khoảng 480 triệu USD; Campuchia đạt khoảng trên 200 triệu USD...

Trong đó, năm 2011 Việt Nam đã cấp mới cho 75 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ và điều chỉnh điều chỉnh 33 dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt 2,12 tỷ USD, bằng dự kiến của năm 2011.



Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát hiện dầu ở Algeria. (Nguồn: Tập đoàn Dầu khí).
 

Các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, truyền thông, tập trung tại các địa bàn quen thuộc, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Một số dự án quy mô lớn trong năm 2011 phải kể đến là: Dự án Nhà máy thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia, có tổng vốn đầu tư 806 triệu USD, công suất 400MW; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel đầu tư dự án sang Peru, với tổng vốn đầu tư 408 triệu USD; dự án thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại tỉnh Sêkông, có vốn đầu tư 275,2 triệu USD; dự án xây dựng thủy điện nậm Công 2 và 3 với tổng vốn đầu tư 134,5 triệu USD; dự án trồng 6.500 ha cao su tại tỉnh Stung Treng của Tập đoàn cao su Việt Nam tại Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký 53,7 triệu USD…

Thống kê từ các doanh nghiệp, tập đoàn cho biết, trong năm 2011, nguồn vốn thực hiện đầu tư ra nước ngoài ước đạt khoảng 950 triệu USD. Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tổng vốn chuyển ra nước ngoài khoảng 347 triệu USD; Tập đoàn Vietel với số vốn 185 triệu USD; Tập đoàn cao su Việt Nam với 134,6 triệu USD; Tập đoàn Sông Đà khoảng 161 triệu USD…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phần lớn các dự án đầu tư quy mô lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài nên hiện đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Một số dự án đầu tư khác đã đi vào hoạt động, đạt hiệu quả tốt.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2011, Bộ đã tăng cường công tác quản lý nhà nước sau cấp phép như: Rà soát về tình hình đầu tư ra nước ngoài theo hướng cân đối lại kế hoạch đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài cho phù hợp; thực hiện chính sách thắt chặt cho vay ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

Việc xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cũng đã thắt chặt lại theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp phải thu xếp vốn thương mại từ ngân hàng nước ngoài thay vì chuyển toàn bộ vốn từ Việt Nam ra để đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát đầu tư ra nước ngoài; tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư ra nước ngoài.


Theo Vietnam+

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn