Tập trung giải quyết bộ ba: lạm phát, tỷ giá và lãi suất
Năm 2012 sẽ có nhiều hy vọng hơn |
TS. Trần Du Lịch cho rằng: để giải quyết những bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2012 thì Chính phủ phải tập trung giải quyết bộ ba: lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Trong khi lạm phát cao đang làm xói mòn niềm tin trong nhân dân thì năm 2012, giảm lạm phát xuống một con số nhất thiết phải được thực hiện. Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam vào thời điểm cuối năm, ông Lịch cho rằng đã diễn biến theo hướng tích cực, có nhiều điểm sáng và triển vọng khá hơn đầu năm 2011.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP tuy có giảm sút so với năm 2010 nhưng vẫn duy trì được tốc độ khá (ước tăng 6% so với 6,78% của năm 2010), xuất khẩu tăng 34% (hơn 10% so với kế hoạch), CPI đạt mức đỉnh vào tháng 4/2011 và có xu hướng giảm dần từ tháng 5/2011 và kỳ vọng cả năm tăng 18%.
Trong năm nay, mọi quyết sách sẽ tập trung vào vấn đề kiềm chế lạm phát, điều này còn quan trọng hơn cả sự tăng trưởng. Do đó, chỉ tiêu CPI một con số, đạt dưới 10% được cho là mục tiêu kiên quyết phải làm được nhằm kéo giảm tín dụng, dần tạo niềm tin cho thị trường.
Theo dự báo, nếu lạm phát đạt mức 9%, lãi suất huy động có thể ở mức 11%, lãi suất cho vay có thể khoảng 13,5-15%. Mặc dù vậy, tăng trưởng cũng phải được coi trọng. Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 là 6%. Nhưng trong tình hình hiện tại, để đạt sự tăng trưởng này mà vẫn giữ mức lạm phát một con số là rất khó khăn.
Tuy nhiên, đó là điều có thể thực hiện được dựa vào những tín hiệu khởi sắc của thị trường và các giải pháp sẽ được thực hiện trong năm nay. Một thách thức lớn cho nền kinh tế là chính sách tiền tệ, tài khóa.
Mức lãi suất tăng cao 19% – 20% đã gây áp lực lớn và khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao. Trong năm qua, gần 50.000 doanh nghiệp giải thể (chiếm khoảng 10%) do tình hình khủng hoảng, chính sách thắt chặt của Nhà nước.
Mặt tối rõ nhất trong năm 2011 là thị trường chứng khoán giảm sâu, bất động sản lắng đọng. Theo tiến sĩ thì thị trường dẫn nhà đầu tư đến chỗ sai, làm mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Ông Lịch dự báo, trong năm 2012 nếu không làm ấm hai thị trường này thì kinh tế vĩ mô không thể sáng sủa. Bên cạnh đó, nợ xấu ngân hàng tăng rất cao vì toàn bộ bất động sản bị đóng băng. Ngân hàng không thể thu bất động sản về, vì như vậy sẽ rơi vào trường hợp của nước Mỹ năm 2007, tài sản bị mất giá, chất lượng tín dụng kém.
Thông thường để chống lạm phát thì phải nâng lãi suất và giảm mức đầu tư. Tuy nhiên, mức lãi suất khi lạm phát đã quá cao, nếu vừa muốn chống lạm phát, vừa hạ lãi suất để mở đường cho doanh nghiệp thì công cụ tiền tệ bị vô hiệu hóa, nguy cơ mất thanh khoản là rất lớn.
Hiện tại, lãi suất được cho là đã giảm nhưng chưa đáng kể. Nhiều ngân hàng cần tiền huy động để giải quyết thanh khoản của mình nên việc giảm lãi suất là một bài toán khó.
Tuy nhiên, ngoài 430.000 doanh nghiệp đăng ký thì có 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ cá thể đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ít chịu ảnh hưởng những chính sách tài khóa của Nhà nước. Do đó, trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay từ ngân hàng thì các hộ này vẫn tồn tại được nhờ vào nguồn vốn riêng.
Và đây được xem là một lực lượng kinh tế tiềm ẩn góp phần vào duy trì tăng trưởng kinh tế. TP.HCM là điển hình của một trung tâm mua sắm lớn nhất nước với nhiều hộ dạng này vì hầu hết mọi nơi trong thành phố đều là cửa hàng kinh doanh buôn bán.
Cuối năm 2011: thị trường ngoại hối tương đối ổn định, |
Tình hình tỷ giá đã tạm ổn, kiều hối khá cao, ở mức 9 tỷ USD. Song, dự trữ ngoại tệ còn kém, bởi vì nếu dựa vào các chỉ số FDI, kiều hối, xuất khẩu lao động, ODA hiện tại thì rất bấp bênh. Theo ông Lịch, vào cuối năm 2011: thị trường ngoại hối tương đối ổn định, chấm dứt sự tồn tại 2 tỷ giá trên thị trường xảy ra từ tháng 9/2010.
Tái cấu trúc – cơ hội lớn cho nền kinh tế
Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, theo ông Lịch là mục tiêu quan trọng và chưa bao giờ được sự đồng thuận cao như bây giờ.
Ba lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên để tiến hành tái cấu trúc ngay từ năm 2012 là: đầu tư, trong đó tập trung đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống tài chính – tiền tệ, tập trung vào hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Việt Nam hiện đang diễn ra quá trình một số doanh nghiệp bị doanh nghiệp khác “nuốt”. Đây được cho là quá trình tự tái cấu trúc thị trường. Quá trình này sẽ kéo dài trong vài năm để thiết lập một trật tự khác. Nó diễn ra song song với chủ trương tái cấu trúc của Chính phủ.
Trong năm 2012, tái cấu trúc đầu tư công sẽ cắt giảm đầu tư những hạng mục không cấp thiết, cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm và nếu Nhà nước đã đầu tư 20-30% mà tư nhân làm được thì tiếp tục giao cho tư nhân theo phương thức Nhà nước và tư nhân cùng làm. Như vậy, quy mô đầu tư không giảm mà đầu tư xã hội tăng, tập trung có hiệu quả, không dàn trải và sẽ có tác động tái cấu trúc toàn bộ xã hội.
Trong việc tái cấu trúc ngân hàng thương mại, theo ông Lịch, thì không thể để một thị trường tài chính mà 97% trong tổng dư nợ tín dụng được cung cấp bởi các định chế ngân hàng thương mại còn các định chế tài chính tín dụng phi ngân hàng chỉ 3%.
Nhà nước phải “bơm” tiền tệ để giải quyết quá trình hợp nhất các ngân hàng thương mại yếu kém; chủ yếu ở các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: xí nghiệp sản xuất để xuất khẩu, một số ngành dân sinh, bất động sản, nhà ở xã hội… Chính phủ định hướng đến 2015, sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, các ngân hàng thương mại của Việt Nam phải trở thành những ngân hàng đại chúng.
Trong tái cấu trúc kinh tế, theo ông Lịch, khoảng 90 Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước hiện nay phải nâng cao hiệu quả hoạt động và vị trí của mình trong nền kinh tế thị trường. Bởi vì nếu xem các doanh nghiệp này có vai trò thúc đẩy thị trường, khỏa lấp những khuyết điểm để phát triển kinh tế thì tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ khác với các tiêu chí về hiệu quả tài chính.
Việc điều chỉnh lại phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước là việc tất yếu phải làm, nhưng phải có quá trình. Do đó, Chính phủ đã có kế hoạch đến năm 2015, các doanh nghiệp vốn nhà nước phải thoái vốn ở các ngành nghề ngoài nhiệm vụ chính, chỉ giữ nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công mà thôi.
Trước thềm 2012, điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết tự cứu lấy mình, tự tái cấu trúc, rà soát thị trường kinh doanh, mở rộng thị trường nội địa… trước khi các giải pháp và chính sách của Chính phủ đưa thị trường đi vào ổn định.
Chí Công