Phố Wall năm 2011 và 6 phiên biến động dữ dội

Thứ sáu, 30/12/2011, 11:29
Từ đầu năm 2011 tới nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến không ít phiên tăng vọt rồi lại bổ nhào nhanh chóng, khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn.


 

Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần từ 4-11/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã chuyển từ tăng sang giảm, rồi lại từ giảm sang tăng với biên độ biến động cực lớn. Khối lượng giao dịch toàn thị trường cũng vì thế mà bùng nổ.

Dưới đây là 6 phiên giao dịch đáng chú ý nhất của năm 2011 trên thị trường chứng khoán Mỹ.

1. Phiên giao dịch ngày 8/8

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: -5,55%

Thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn do trước đó tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ bậc tín dụng cao nhất của Mỹ. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ bị mất bậc xếp hạng tín nhiệm cao nhất. Nhà đầu tư đổ xô bán tháo cổ phiếu nắm trong tay, khiến chứng khoán Mỹ chao đảo và sụt giảm chóng mặt.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tuột thẳng 634,76 điểm, tương ứng 5,55%, xuống 10.809,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 79,92 điểm, tương ứng 6,66%, xuống còn 1.119,46 điểm. Chỉ số Nasdaq rơi tự do 174,72 điểm, tương ứng 6,90%, xuống 2.357,69 điểm.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay, chỉ số Dow Jones rớt xuống dưới ngưỡng kỹ thuật 11.000 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 17,9% kể từ phiên 29/4 tới nay. Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago cho biết, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy".

2. Phiên giao dịch ngày 10/8

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: -4,62%

Sự hoảng loạn tái diễn ở Phố Wall khi xuất hiện tin xấu về khả năng khủng hoảng nợ châu Âu có thể nhấn chìm các ngân hàng Pháp và tràn sang khu vực tài chính Mỹ. Chỉ số các ngân hàng châu Âu trượt 6,7%, trong khi chỉ số KBW ngân hàng Mỹ giảm 4,9%. Tại Mỹ, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America giảm tới 10,9%, cổ phiếu của Goldman Sachs trượt hơn 10%.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 519,83 điểm, tương ứng 4,62%, xuống 10.719,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 51,77 điểm, tương ứng 4,42%, xuống còn 1.120,76 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 101,47 điểm, tương ứng 4,09%, xuống 2.381,05 điểm.

Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường một lần nữa tăng đột biến, với khoảng 15,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, gần gấp đôi so với mức trung bình hàng ngày 7,8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.

3. Phiên giao dịch ngày 4/8

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: -4,31%

Giới đầu cơ đã đua nhau tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch 4/8. Các chỉ số Dow Jones và S&P trượt hơn 4%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm tới 5%, do nhà đầu tư lo sợ Mỹ đang bắt đầu bước vào một cuộc suy thoái khác và nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu đang tràn vào hai trong số các nền kinh tế lớn nhất châu lục này.

Cụ thể, chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt thẳng 512,46 điểm, tương ứng 4,31%, xuống còn 11.383,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 60,21 điểm, tương ứng 4,78%, xuống 1.200,13 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 136,68 điểm, tương ứng 5,08%, xuống còn 2.556,39 điểm.

Tình trạng mất điểm diễn ra trên hầu khắp các khu vực, đặc biệt là khu vực tài chính, như cổ phiếu của ngân hàng Bank of America giảm 7,4% xuống 8,83 USD, cổ phiếu của Citigroup giảm 6,6% xuống 34,81 USD. Cổ phiếu của hãng máy tính HP giảm 5,1%.

4. Phiên giao dịch ngày 30/11

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: +4,24%

Khép lại phiên cuối cùng của tháng 11, chứng khoán Mỹ tăng vọt trên 4% ở cả ba chỉ số chính, sau khi 6 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cắt giảm chi phí giao dịch bằng đồng USD, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tín dụng.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương Anh, Nhật, Thụy Sỹ, Canada công bố kế hoạch chung, hạ giá đối với các hợp đồng hoán đổi thanh khoản bằng đồng USD bớt 0,5% từ 5/12 và kéo dài các hợp đồng này đến ngày 1/2/2013.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 490,05 điểm, tương ứng 4,24%, lên 12.045,68 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/3/2009. S&P 500 nhảy 51,77 điểm (+4,33%) lên 1.246,96 điểm. Nasdaq Composite tiến 104,83 điểm (+4,17%) lên 2.620,34 điểm.

5. Phiên giao dịch ngày 9/8

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: +3,98%

Nhà đầu tư chuyển từ thái cực lo sợ sang phấn khích khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra cam kết về lãi suất cơ bản gần 0% thêm hơn 2 năm nữa. Mohannad Aama, giám đốc quản lý của hãng Beam Capital Management LLC ở New York cho biết, tuyên bố của FED đã thổi một luồng sinh khí vào thị trường chứng khoán.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch 9/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 429,92 điểm, tương ứng 3,98%, lên 11.239,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 53,07 điểm, tương ứng 4,74%, lên 1.172,53 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 124,83 điểm, tương ứng 5,29%, lên 2.482,52 điểm.

Khoảng 16,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao gấp hơn hai lần so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,75 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm ở sàn New York là 12/1, còn ở sàn Nasdaq là 5/1.

6. Phiên giao dịch ngày 11/8

Mức thay đổi của chỉ số Dow Jones: +3,95%

Giống như một cái lò xo bị ép xuống hết cỡ rồi thả ra, một lần nữa, các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau một phiên chòng chành dữ dội. Nhà đầu tư ồ ạt mua vào các cổ phiếu bị mất giá mạnh trong ngày giao dịch liền trước.

Thị trường nhận được sự hỗ trợ từ lợi nhuận của hãng công nghệ Cisco, tỷ lệ thất nghiệp hàng tuần giảm nhẹ. Ngoài ra, những quan ngại về đà lan rộng của khủng hoảng nợ châu Âu cũng dịu bớt phần nào sau tin về cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức sẽ diễn ra vào thứ ba tới.

Kết thúc ngày giao dịch 11/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 423,37 điểm, tương ứng 3,95%, lên 11.143,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 51,88 điểm, tương ứng 4,63, lên 1.172,64 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 111,63 điểm, tương ứng 4,69%, lên 2.492,68 điểm.

Theo vneconomy

Các tin cũ hơn