Kinh tế VN 2012: Cần chính sách linh hoạt

Thứ bảy, 31/12/2011, 10:31
Năm 2012, Việt Nam có đưa lạm phát về dưới hai con số và lãi suất giảm tương ứng hay không, theo TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, sẽ tùy thuộc rất lớn vào chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt. 



Trao đổi với Đất Việt trước thềm năm mới 2012, ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, kinh tế toàn thế giới năm 2012 sẽ diễn biến bất thường, khó dự đoán nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn hiện tại và có thể lún sâu hơn.

- Nhiều chuyên gia nhìn nhận, kinh tế Việt Nam thường “ngoại lệ” so với kinh tế thế giới, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm 2012?

- Quả thực, chúng ta cũng chứng kiến một số lần nền kinh tế Việt Nam tỏ ra mình là “ngoại lệ” so với thế giới. Và cá nhân tôi cũng hy vọng, kinh tế chúng ta trong năm nay sau sẽ khả quan hơn. Nhưng theo tôi, nhìn nhận sự khó khăn chung của nền kinh tế là cần thiết để mình có nhiều nỗ lực hơn. Những ngày cuối năm 2011 càng cho chúng ta nhìn nhận rõ kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ như thế nào.

Trọng điểm là nợ công châu Âu vẫn còn đó với hàng loạt cơ chế “lằng nhằng” của châu lục này khiến tình hình có vẻ trầm trọng hơn. Ngoài ra, những nền kinh tế lớn khác cũng chưa nhìn thấy mức độ tin cậy cao. Kinh tế Mỹ lúc lên lúc xuống, Trung Quốc lạm phát quá cao. Những nước láng giềng như Thái Lan thì năm 2011 lại gặp thiên tai, nên e ngại lớn nhất trong năm sau là giá thực phẩm đội lên và những nước này khó thoát khỏi “bẫy” lạm phát.

Theo tôi, những trụ cột kinh tế này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế chúng ta trong năm 2012. Nhưng từ tháng  9 - 10.2011 đến nay, khi kinh tế thế giới có chiều hướng gam go thì kinh tế Việt Nam với nhiều chỉ tiêu vĩ mô có xu hướng tốt lên. Tuy nhiên, việc GDP giảm sút trong năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh và chỉ số CPI  “nóng” trên 18%/năm đã khiến chúng ta thấy bẫy khó khăn đang đứng trước mắt. Dù vậy, kinh tế vĩ mô của ta vẫn có nhiều điểm thuận trong năm 2012, đó là “đà” xuất khẩu đang tăng, những kết quả về điều hành chính sách tiền tệ và điều quan trọng nhất, chúng ta đang thay đổi mô hình tăng trưởng.

Nền kinh tế năm 2012 với hy vọng sẽ bớt khó khăn với chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt. 


- Những điểm thuận đó, theo ông có thể giúp chúng ta đạt được chỉ tiêu về giảm lạm phát xuống dưới 10% và giữ tăng trưởng ở mức 6% hay không?

- Tôi đánh giá những điểm thuận này là cơ hội, nhưng cơ hội này chỉ mở ra với việc chúng ta nắm bắt nhanh và kịp thời. Mặt khác, bên cạnh tận dụng cơ hội này, chúng ta cũng phải cần thêm rất nhiều biện pháp hỗ trợ và cũng cần tính đến chuyện “trả giá” cho việc kiềm chế lạm phát. Thắt chặt tiền tệ sẽ giúp cho lạm phát theo đà giảm, theo đó giảm được lãi suất tương ứng. Nhưng đầu năm 2012, theo tôi lãi suất chưa thể giảm ngay được và nếu kiềm chế tốt, chúng ta sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong quý 2.

Ngược lại, trong thắt chặt tiền tệ, mọi việc sẽ khó khăn hơn cho tăng trưởng GDP. Nếu thay đổi cấu trúc đầu tư thì icor (hệ số sử dụng vốn) ngay lập tức sẽ thay đổi và GDP sẽ tăng lên. Điều này cũng có nghĩa chúng ta phải cắt giảm đầu tư công, thay vào đó tăng đầu tư tư.

Nhưng muốn đầu tư tư tăng thì phải giảm lãi suất lên, điều này rất khó. Vì thế, theo tôi, sẽ có sự hy sinh trong những tháng đầu năm 2012 để kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất xuống và sẽ có những biện pháp thích hợp để khuyến khích đầu tư công để đưa GDP về đúng mục đích. Như vậy, các chỉ tiêu kinh tế năm sau sẽ phụ thuộc vào rất nhiều biến, trong đó tôi nghĩ sẽ có sự trả giá nhất định.

- Những “hy sinh” và các biện pháp chính sách vĩ mô theo ông sẽ tạo tiền đề cho triển vọng kinh tế 2012 là gì?

- Năm 2011, chúng ta cũng đã thấy những hy sinh đó rồi. Đó là việc GDP không tăng trưởng như đã đưa ra. Đó là việc hàng loạt doanh nghiệp phá sản, là thêm nhiều người  mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động phổ thông sẽ tăng lên..., chúng ta cũng sẽ chứng kiến việc nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải sáp nhập, mua bán…

Tôi cho rằng, năm 2012 sẽ giống như năm bản lề để chúng ta phải gánh chịu những hy sinh này, vì cả thế giới đều khó khăn chứ không riêng gì Việt Nam. Riêng về những chính sách vĩ mô để thực hiện mục tiêu kinh tế, theo tôi vẫn là thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa linh hoạt. Tuy nhiên, biện pháp thì như vậy nhưng khi điều hành vẫn cần phải “nhìn trận” để đánh mới mong giữ được đà tăng trưởng được.

- Thưa ông, đà tăng trưởng, lạm phát cũng phụ thuộc vào nhập khẩu và tỷ giá hối đoái, nhưng có nhiều thông tin lo ngại tỷ giá sẽ “bùng” ngay đầu 2012?

- Đầu năm tài chính 2012 lại trùng vào cuối năm âm lịch, nên cầu USD tăng vọt và nguồn cung ít đi, việc tỷ giá “bung” cũng là điều dễ hiểu. Và hiện tại, để tỷ giá linh hoạt, NHNN đã điều chỉnh về sát mức, đưa tỷ giá trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do xích lại. Tôi cho rằng, tỷ giá trước Tết Nguyên đán sẽ tăng lên và sau tết sẽ giảm lại.

Nhưng không lo nhiều về tỷ giá, vì hiện tại NHNN đang thực hiện chính sách ngoại hối mới với thực hiện quản lý chặt chẽ. Mặt khác, chúng ta có một năm dương về cán cân thanh toán đến khoảng 4 tỷ và dự trữ ngoại hối cũng tăng lên. Đó là cơ sở để  không lo nhiều về tỉ giá có thể “bung mạnh” những tháng đầu năm 2012.

- Xin cảm ơn ông! 

 

Theo BaoDatviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn