Ngày 1.1.2002, đồng euro chính thức đến tay người dân thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), khi ấy mới gồm 12 nước. Để “khởi động” cho sự kiện này, euro bắt đầu được lưu hành giữa các quốc gia, công ty và thị trường tài chính từ năm 1999. Sau 10 năm, 332 triệu người thuộc 17 quốc gia eurozone hiện có thể dễ dàng đi du lịch trong khu vực với đồng euro mà không phải lo đổi tiền.
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương châu Âu, vào giữa năm 2011, 14,2 tỉ giấy bạc và 95,6 tỉ đồng xu với tổng giá trị 870 tỉ euro góp mặt trong dòng chảy tiền tệ của thế giới.
|
Vẫn là đồng tiền mạnh
Diễn biến xấu của khủng hoảng nợ năm 2011 khiến không ít người bàn về khả năng tan vỡ của đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế, euro vẫn đang tiếp tục khẳng định vị trí và trở thành dự trữ ngoại hối xếp thứ 2 thế giới (chiếm 26%), chỉ sau đồng USD. Đây chính là cơ sở để Thống đốc Ngân hàng Pháp Christian Noyer nhận định lạc quan trên tờ Le Journal du Dimanche: “Nếu thực hiện theo các thỏa thuận đạt được tại các hội nghị thượng đỉnh gần đây, chúng ta sẽ vượt qua khủng hoảng và trong 10 năm tới, có thể euro sẽ trở thành đồng tiền mạnh nhất thế giới”. Cũng theo ông Noyer, tình trạng tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao của Pháp không phải do đồng euro mà do hệ thống kinh tế, chính trị còn chưa linh hoạt.
Có thể nói khủng hoảng nợ chỉ là một phần trong quá trình hình thành và phát triển nhiều thăng trầm của đồng euro. Vào những năm 1999-2000, khi còn là “đồng tiền ảo” do vẫn chưa có giấy bạc lẫn đồng xu, euro đã chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính. Kết quả là từ giá trị chuyển đổi ban đầu 1 euro ở mức 1,17 USD, đến tháng 10.2000, 1 euro chỉ còn đổi được 0,82 USD. Ngân hàng trung ương của các nước eurozone phải cùng can thiệp mới tránh được đà rơi tự do của đồng tiền chung. Nhờ đó, đồng euro dần trở nên ổn định và không ngừng tăng giá trị, đạt đỉnh điểm vào tháng 7.2008 khi 1 euro đổi được 1,6 USD.
Theo tờ Libération, các mục tiêu ban đầu của những nước châu Âu khi ký kết Hiệp ước Maastricht về việc thành lập đồng tiền chung vào năm 1992 về cơ bản đã đạt được: lạm phát trung bình hằng năm ở eurozone được giữ ở mức dưới 2%; không để xảy ra khủng hoảng tiền tệ... Đồng euro đã giúp các nước eurozone xóa bỏ những rủi ro khi phải chuyển đổi tiền tệ, từ đó giúp xuất khẩu dễ dàng hơn. Ở Đức, từ khi sử dụng đồng euro đã có lượng hàng xuất khẩu mỗi năm đến EU tăng 9%. Lạm phát cũng chỉ còn trung bình 1,6%/năm từ 10 năm qua, so với 2,6% khi còn sử dụng đồng mark.
Khủng hoảng nợ từ 3 năm qua đã chỉ ra điểm yếu cốt lõi của đồng euro: đồng tiền chung đã không được hậu thuẫn bởi một liên minh kinh tế, chính trị vững chắc. Chính vì vậy, hàng loạt cuộc họp của giới lãnh đạo eurozone trong năm 2011 không nằm ngoài mục đích tìm ra khuôn khổ chung để giám sát việc sử dụng đồng euro hiệu quả hơn.
“Giải oan” cho euro
Nhiều người dân tại eurozone vẫn cho rằng đồng euro chính là nguyên nhân khiến giá cả leo thang dù các số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở khu vực này không cao. Nghịch lý này là do số liệu của các viện nghiên cứu lấy bình quân từ nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có những loại mang giá trị cao nhưng không nằm trong danh sách “chợ búa” hằng ngày như xe hơi, đồ điện tử...
Trong khi đó, những mặt hàng thiết yếu như bánh mì, sữa, dầu ăn... đều tăng giá trong 10 năm qua. Theo tạp chí Que Choisir, vào giai đoạn đổi từ đồng franc sang đồng euro ở Pháp, không ít nhà kinh doanh các mặt hàng nhỏ đã lợi dụng để làm tròn giá. Chẳng hạn, một ổ bánh mì 4,3 franc, tương đương 0,67 euro, sẽ được để giá 0,7 euro. Vài xu lẻ không thể gây lạm phát cho Pháp nhưng lại đánh vào chi tiêu trực tiếp hằng ngày của người dân.
Mặt khác, trong 10 năm qua, có nhiều sự kiện của thế giới đẩy mức giá nhiều mặt hàng tăng, khiến euro vô tình mang tiếng oan. Những bất ổn ở Iraq và sau này là các nước Trung Đông khiến giá dầu thô nhảy vọt là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Kế đến là khủng hoảng lương thực toàn cầu do thiên tai, bùng nổ dân số và xu hướng dùng cây lương thực để chế tạo nhiên liệu sinh học. Ngoài ra còn phải kể đến những thay đổi về chính sách tăng giảm thuế hoặc trợ giá một số sản phẩm của các nước.
30 năm thai nghén Từ năm 1970, Thủ tướng Luxembourg khi ấy là Pierre Werner đã đặt vấn đề về một liên minh tiền tệ nhằm thành lập đồng tiền chung. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường tài chính và sự bất ổn của giá dầu hỏa vào những năm 1973, 1979 khiến ý định này chìm vào quên lãng, theo tờ Le Parisien. Đến tận năm 1988, vấn đề mới thật sự được bàn thảo trở lại sau đề xuất của Thủ tướng Đức Helmut Kohl và Tổng thống Pháp François Mitterrand. Hiệp ước ký kết tại Maastricht (Hà Lan) vào tháng 2.1992 chính thức công nhận kế hoạch thành lập đồng tiền chung với các tiêu chuẩn bắt buộc đối với các thành viên. |
Theo Thanhnien