Doanh nghiệp vẫn lạc quan về kinh doanh ở Việt Nam

Thứ ba, 03/01/2012, 11:48
So với nhiều nước trên thế giới thì mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao hơn cho dù mức độ lạc quan đã giảm mạnh trong năm 2011, theo kết quả khảo sát do Grant Thornton công bố ngày 3-1.


 

Báo cáo kinh doanh toàn cầu từ Grant Thornton cho thấy, sự tự tin của nền kinh tế toàn cầu hướng đến 2012 dường như mong manh, với nhiều lo ngại về việc kinh doanh trong năm 2012 sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2011.

Tuy nhiên, trong khi mức độ lạc quan của kinh tế toàn cầu nhìn chung trong quí 4-2011 đứng ở mức 0%, thì khảo sát cho thấy Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ lạc quan và kỳ vọng cho sự tăng trưởng cao hơn, mặc dù mức độ lạc quan giảm mạnh, từ mức 80% trong quí 1-2011 xuống còn 34% trong quí 4-2011.

Xét về khu vực, mức độ lạc quan ở một số vùng kinh tế khu vực có tăng trưởng hơn so với 3 tháng trước, khu vực kinh tế nhóm các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) tăng từ 25% lên 34%, khu vực Bắc Mỹ từ 3% lên 6%. Tuy nhiên, sự lạc quan toàn cầu thì ảm đạm bởi tỷ lệ lạc quan ở châu Âu đã giảm từ 0% xuống -17% trong 3 tháng cuối năm, và khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm từ 2% xuống -16%.

“Mối đe dọa của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro cho thấy lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn không có sự chắc chắn nào về năm kinh tế tiếp theo vì đơn giản là họ không biết được mọi thứ sẽ diễn tiến ra sao. Sự không chắc chắn đó đã làm giảm lòng tin và bóp nghẹt sự kỳ vọng về tăng trưởng của các doanh nghiệp”, Ed Nusbaum, CEO của Grant Thornton International, đã đưa ra nhận xét trong báo cáo.

Cuộc khảo sát cho thấy thương mại toàn cầu đang thay đổi theo hướng tiêu cực. Sau khi tăng thêm 10 điểm phần trăm trong quí 3, tỷ lệ các doanh nghiệp kêu ca về thiếu đơn hàng tăng thêm 5 điểm phần trăm trong quí 4, đưa tỷ lệ này lên mức 37% toàn cầu. Trong số này, tỷ lệ doanh nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 9%, Bắc Mỹ tăng 7% và nhóm các thị trường BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tăng 4%.

Thêm vào đó, kỳ vọng của doanh nghiệp về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đã giảm 2% so với quí trước. Xét về khu vực, kỳ vọng về chỉ tiêu lợi nhuận tại khu vực EU đã giảm 12 điểm phần trăm xuống còn 13%, tại Mỹ Latin giảm 16 điểm phầm trăm xuống mức 47% và khu vực châu Á giảm 24 điểm phần trăm xuống 33%.

Theo khảo sát, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều từ việc giảm đơn hàng vì kết quả cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp kêu thiếu đơn hàng chỉ tăng thêm 1%. Không quá bất ngờ khi hai yếu tố được cho là trở ngại lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là chi phí tài chính và nguồn vốn lưu động.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn vay sẽ khó khăn hơn trong năm 2012 nhưng đa số vẫn tin rằng chi phí tài chính (lãi vay) sẽ hạ trong năm sau.

“Năm 2011 là một năm khó khăn nhất cho Việt Nam kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Kinh tế Việt Nam hiện đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, sự tự tin và lạc quan giảm đáng kể trong suốt 12 tháng qua”, ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều Hành Grant Thornton Việt Nam, nói trong thông báo.

“Chúng tôi cho rằng năm 2012 sẽ là một năm thử thách nữa vì Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiềm chế lạm phát và kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng rất tốt trong năm 2011 nhưng mức tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ chậm lại và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu các vấn đề tại khu vực EU chưa được giải quyết xong”.

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích