Dịch vụ đổi tiền lì xì “chợ đen”: Tung hoành chặt chém

Chủ nhật, 08/01/2012, 11:25
Do các ngân hàng “nói không” với dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ cho nhu cầu mừng tuổi (lì xì) đầu năm, nên dịch vụ đổi tiền lì xì “chợ đen” tung hoành chặt chém.
Phí đổi tiền cao nhất ở “chợ đen” là loại tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng. Để mua 100.000 đồng tiền mệnh giá 200 đồng nguyên seri, người mua sẽ mất 250.000 – 300.000 đồng tùy vào số lượng đổi. Mức phí này cao rất nhiều so với năm ngoái, khi tại các điểm đổi tiền trước cửa đình chùa chỉ theo tỷ lệ 10 “ăn” 7 – 8. Theo giới kinh doanh tiền, năm nay các mệnh giá này rất khan hiếm nên phí phải đẩy cao.

Ngân hàng gần như nói không với nhu cầu đổi tiền lẻ tăng vọt cuối năm. 


Ngân hàng “ngoảnh mặt”
 
Chuyện đổi tiền mệnh giá nhỏ (5.000, 10.000, 20.000 đồng) đã được khách hàng của các ngân hàng râm ran từ 2 tuần nay. “Mặc dù là doanh nghiệp thân quen nhưng năm nay ngân hàng chỉ cho chúng tôi đổi được một nửa tiền mệnh giá thấp (10.000 đồng, 20.000 đồng) so với nhu cầu”, thủ quỹ một doanh nghiệp tại Q.3, TP HCM chia sẻ. Chị này nói thêm, không hiểu vì sao “hạn mức” của công ty lại ít đi khi các giao dịch với ngân hàng năm qua tăng lên. Chỉ nghe cán bộ ngân hàng nói năm nay tiền lẻ ít hơn, nhu cầu nhiều hơn.
 
Khách hàng thân thiết còn bị “cắt” hạn mức, nên chuyện ngân hàng ngoảnh mặt với nhu cầu đổi tiền lì xì của người dân là không lạ. Theo khảo sát, các ngân hàng thương mại cỡ lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank, ACB, Maritime bank… đều không đổi tiền lẻ, tiền mới cho người dân có nhu cầu.
 
“Ngân hàng chỉ đổi tiền rách, tiền không đủ chức năng lưu thông chứ không đổi tiền mới, mệnh giá thấp cho nhu cầu lì xì”, một nhân viên tại Hội sở Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết. Tương tự, ở Vietcombank, BIDV (địa bàn TPHCM)… người có nhu cầu cũng nhận cái lắc đầu của các nhân viên giao dịch.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc thường trực NHNN chi nhánh TPHCM, cũng cho biết: “Chúng tôi chỉ đáp ứng đủ các mệnh giá tiền, lượng tiền trong lưu thông, phục vụ nhu cầu luân chuyển hàng hóa cuối năm, và hiện chưa có chủ trương đổi tiền mới, tiền lì xì cho người dân”.
 
Tiền lẻ mệnh giá nhỏ ít hơn mọi năm
 

Trước thực cảnh tiền lẻ sau khi đưa ra lưu thông vào dịp Tết lại quay lại nằm “chết gí” trong kho không thể quay vòng được, Cục Phát hành - Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước chủ trương cắt giảm một lượng lớn tiền lẻ mới ra thị trường trong dịp Tết.
 
Thực tế, theo phản ánh của Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đức (Hà Nội), đơn vị thường xuyên tiếp nhận một lượng tiền lẻ khổng lồ từ Chùa Hương đồ về thì tiền lẻ vẫn còn trong kho của nhà chùa chưa đếm được, dù mùa lễ hội đã qua cả 9 tháng. Mới đây nhà chùa đã chuyển ra ngân hàng 2 xe to tiền lẻ, khoảng gần 3 tỷ đồng. Cán bộ tín dụng của ngân hàng lại oằn lưng kiểm đếm, bó để chuyển về trung ương. Cũng theo ngân hàng này, 4 năm gần đây, bình quân mỗi năm cứ khoảng 20.000 bó tiền lẻ được thu về.
 
Một đại diện của Cục Phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, đến nay, tiền mới polymer mệnh giá 50.000 đồng Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều hơn so với năm ngoái. Tiền mới polymer 10.000 đồng và tiền giấy 5.000 đồng cũng có nhưng ít hơn các loại 2.000, 1.000 đồng. Tiền cũ 20.000 đồng lưu kho nhiều nhưng tiền mới cùng mệnh giá không có. Đặc biệt, tiền mệnh giá nhỏ là 500 đồng không được in nhiều như những năm trước.
 
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết dù không khan hiếm tiền lẻ, tiền mới trong thời điểm này nhưng cũng khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng ở tất cả mệnh giá, thời điểm cuối năm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tập trung chi tiền mặt cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo cơ cấu các loại tiền trong lưu thông, trong đó chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tiền mới của người dân. Vì thế, dù tiền lẻ không thiếu nhưng tiền mệnh giá nhỏ năm nay sẽ ít hơn mọi năm.
 
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng cho rằng, không ai cho phép đổi tiền lẻ ngoài chợ đen nhưng cũng không có văn bản nào quy định là cấm cả. Còn nguyên lý quản lý tiền tệ là “không được mua bán tiền”. Như vậy, việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ để thu lợi thực chất là mua bán tiền, tức là vi phạm pháp luật về tiền tệ. Tuy nhiên, việc xử lý cũng khó, nhất là những điểm như chùa chiền... còn mang nhiều yếu tố tâm linh, dù rằng nhiều người đang núp bóng tâm linh để trục lợi.
 
Đồng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cũng bình luận: “Nói là “bán” tiền nhiều người cho rằng không được phép, bất kính đối với đồng tiền vốn mang thương hiệu quốc gia, song nó thực sự trở thành một hàng hóa mua bán”.
 
Chợ đen “tung hoành”
 
Ngân hàng lắc đầu, người dân phải chạy đến “chợ đen”. Tuy phí cao, song khách hàng đến với dịch vụ đổi tiền “chợ đen” vẫn tấp nập. Chị Phan Hương, một khách hàng đổi tiền lẻ qua mạng, cho rằng: “Cũng may còn có điểm cho người dân đổi tiền lẻ”.
 
Tiền lì xì theo năm sinh giá ngất ngưởng
 
 Hiện một số cá nhân làm dịch vụ đổi tiền dịp Tết đã tung ra bộ sưu tập tiền lì xì mệnh giá 50.000 đồng và 2 USD theo năm sinh với giá không tưởng. Tờ 50.000 đồng có số seri cuối cùng từ 1945 – 1994 được rao 120.000 đồng/tờ; tờ 2 USD có seri cuối cùng 1970 – 2000 là 250.000 đồng/tờ, gần gấp 6 lần tỉ giá theo quy đổi của ngân hàng.
Tại Hà Nội, các điểm chuyên đổi tiền đang rất nhộn nhịp. Tại tuyến phố Đinh Lễ có tới gần 20 người đổi tiền sẵn sàng chèo kéo khách. Với các mệnh giá như 10.000, 20.000, 50.000, 100.000 đồng polyme nguyên seri, chưa qua sử dụng được đổi theo tỷ lệ 10 “ăn” 9. Với các loại mệnh giá hiếm hơn, như 10.000 đồng loại tiền giấy đỏ, đồng 2 USD thì phí đổi khá cao, như loại 10.000 đồng tỷ lệ 13 “ăn” 10, nếu lấy nhiều sẽ được giảm còn 12 - 12,5 “ăn” 10. Riêng loại 2 USD có giá 70.000 đồng, 1 USD giá 27.000 đồng.
 
Chị Bích, chuyên đổi tiền trên phố này, cho hay nếu đổi với số lượng “kha khá” thì không kể ngày đêm, chỉ cần gọi điện trước 15 phút, sẽ có người mang tiền giao tận nhà. Cũng theo chị này, dịch vụ sẽ hoạt động đến 30 Tết, nhưng nếu càng để gần Tết thì phí càng bị đẩy lên cao.
 
Tuy nhiên, hoạt động này tại Hà Nội vẫn đang khá kín đáo. Những “con buôn” tiền lẻ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm thường “phục kích” vào khoảng chiều tối và buổi trưa vắng vẻ. Thậm chí trên một số tuyến phố Hà Trung, Phùng Hưng, người có nhu cầu đổi tiền cũng không dễ gì mua bán công khai được.
 
Dạo qua phố Hàng Mã, một số sạp hàng người ta bày bán chung cả tiền vàng mã và tiền lẻ. Tại những điểm đổi tiền lẻ này, khách hàng hỏi bao nhiêu cũng có, chỉ có “mức phí” là không “dễ chịu” chút nào. Mức giá thì mỗi nơi một khác, nhưng nhìn chung tiền có mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi cành đắt. Loại tiền 10 nghìn đồng thì 10 ăn 8 (tức 100 nghìn thì đổi lấy 80 nghìn), tiền mệnh giá 1, 2, 5 nghìn thì tỷ lệ sẽ là 10 ăn 7. Riêng loại tờ 500 đồng thì có giá 10 ăn 6,5. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã thông báo sẽ đổi tiền 2 USD cho khách hàng nhưng với điều kiện phải đổi bằng USD, hoặc gửi tiết kiệm với số tiền tương đối lớn.
 
Một kênh đổi tiền lẻ khác cũng được nhiều người tìm là các địa chỉ trên mạng. Tại địa chỉ Zinzon, cho biết mức phí đổi tiền lẻ loại 500 đồng (cho trên 100.000 đồng) sẽ tính 25%, tiền 1.000 đồng phí 16%... Còn một cá nhân tên Anh Tuấn “quảng cáo” sẽ đổi bằng phí “mềm”: tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng, và số lượng đổi từ 3 triệu trở lên, phí đổi tiền chỉ 10%, nhưng nếu đổi ít hơn thì phí cao hơn và “phải chịu xăng xe” nếu giao hàng tận nhà.
 
 Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo tới cán bộ toàn hệ thống không được lợi dụng việc đổi tiền lẻ để đầu cơ trục lợi và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cơ quan này cũng có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Tôn giáo Chính phủ về việc sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Theo đó, sự tăng cao bất hợp lý của nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ cũng là một nguyên nhân nảy sinh nhiều loại hình kinh doanh tiền lẻ để trục lợi ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ. Việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người tham gia lễ hội ngày càng phổ biến gây phản cảm, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích, nơi thờ tự và hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
 

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn