Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ rất thành công |
Nội dung nổi bật:
Tôi có thể khẳng định rằng hội nghị xúc tiến tại Mỹ rất thành công, không phải từ những nhận định cảm tính, mà trực tiếp là các phản hồi của các đại diện Mỹ. Số lượng các đại diện đăng ký vượt xa dự kiến, có đầy đủ các định chế tài chính hàng đầu Mỹ và tầm cỡ thế giới
Tại hội nghị, có những câu hỏi trực diện với các đại diện nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại Việt Nam rằng, nếu so sánh với Indonesia, liệu Việt Nam có thuận lợi hơn? Trong câu trả lời, các đại diện này khẳng định, Việt Nam thuận lợi hơn. Họ đánh giá rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ nổi lên là địa chỉ thu hút vốn đầu tư gián tiếp hấp dẫn hơn các nước khác trong khu vực.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng về kết quả của hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ tuần trước.
Đoàn đầu tư Mỹ đến Việt Nam tuần tới
* Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn tại trung tâm tài chính thế giới. Những kết quả thực tế từ hội nghị này là gì, thưa ông?
Lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở nước ngoài là tại Nhật Bản. Lần này chúng ta chọn tổ chức tại Mỹ, vì đó là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới và có sức lan tỏa hàng đầu.
Mặt khác, đây là dịp Việt - Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, và trong các cuộc gặp gỡ song phương, các lãnh đạo hai nước đã xác định mối quan hệ đối tác toàn diện và cần làm sâu sắc thêm mối quan hệ này.
Thông điệp của hội nghị lần này được xác định là “xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính” giữa hai nước. Do đó, cách thức tổ chức hội nghị cũng thiết thực hơn, cụ thể hơn với nội dung đối thoại cởi mở.
Tôi có thể khẳng định rằng hội nghị xúc tiến đã rất thành công, không phải từ những nhận định cảm tính, mà trực tiếp là các phản hồi của các đại diện Mỹ. Số lượng các đại diện đăng ký vượt xa dự kiến, có đầy đủ các định chế tài chính hàng đầu Mỹ và tầm cỡ thế giới.
Các đại diện này không chỉ trao đổi trực tiếp tại những phiên thảo luận, mà họ còn chuẩn bị những câu hỏi rất chi tiết bằng văn bản, lên lịch gặp gỡ song phương, để trao đổi kỹ hơn các vấn đề mà họ quan tâm.
Tôi cho rằng, đó là cách làm việc chuyên nghiệp và thể hiện ý đồ đầu tư thực sự nghiêm túc.
Sáng 8/7, đã có thông tin một đoàn đại diện các nhà đầu tư Mỹ sẽ đến Việt Nam vào tuần tới. Đó chính là các đại diện đã tham dự hội nghị vừa rồi.
Tinh tế hơn, linh hoạt hơn, và không gây sốc
* Trước khi tổ chức hội nghị, một loạt các thay đổi chính sách đã được ban hành, nhất là Nghị định 60, trong đó có vấn đề mở room. Ông thấy giới đầu tư Mỹ đánh giá vấn đề này như thế nào?
Nghị định 60 là văn bản rất quan trọng, và được giới đầu tư đánh giá rất cao. Họ thấy Việt Nam thực sự muốn đổi mới, mở cửa và coi trọng dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này có thể thấy ngay ở các phát biểu của các đại diện nhà đầu tư Mỹ tại hội nghị. Họ đánh giá Nghị định 60 thể hiện quyết tâm đổi mới, đồng thời cũng đánh giá chính sách điều hành của Việt Nam đã tinh tế hơn, linh hoạt hơn, và không gây sốc như trước.
Những câu hỏi của nhà đầu tư Mỹ rất cụ thể và trực diện, họ quan tâm nhiều đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là ngân hàng. Chúng ta cũng đã giải thích rất kỹ về các quy định hạn chế.
Phải nhấn mạnh rằng việc ban hành Nghị định 60 là một bước đi dài, thể hiện quyết tâm cao. Ban đầu chúng ta giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 30%, sau đó nâng lên 49% và giờ là 100% đối với rất nhiều ngành nghề.
Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là mức cởi mở ngang bằng với khu vực. Nhiều nước họ đã nới 100% ở những lĩnh vực không có điều kiện từ lâu, và kể cả những lĩnh vực có điều kiện cũng chỉ hạn chế rất ít như năng lượng, khoáng sản, logistic... Thậm chí như Hàn Quốc, lĩnh vực ngân hàng cũng mở 100%.
Tôi cho rằng Nghị định 60 sẽ thúc đẩy hơn dòng vốn gián tiếp vào thị trường chứng khoán, từ đó giúp thị trường có quy mô lớn hơn, hỗ trợ tốt cho cổ phần hóa doanh nghiệp mà Chính phủ đang tiến hành.
Bên cạnh đó, xét về lâu dài, việc mở room như tại Nghị định 60 cũng sẽ thúc đẩy tốt hơn nữa sự minh bạch trong vấn đề quản trị doanh nghiệp. Dòng vốn này cũng sẽ là sức ép doanh nghiệp phải thay đổi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt hơn.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng nhận thức rất rõ là Nghị định 60 có cởi mở hơn nhiều so với quy định cũ và giúp thúc đẩy dòng vốn, từ đó làm tăng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dòng vốn vào lớn hơn cũng làm tăng sức ép minh bạch, và chúng ta cũng phải nỗ lực hoàn thiện các quy định theo thông lệ quốc tế.
Còn nhỏ nhưng tăng rất nhanh
* Có một thực tế là các đại diện giới đầu tư Mỹ tham dự hội nghị đều là các quỹ lớn, thậm chí tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại quá nhỏ. Vậy họ có nhìn thấy sức hấp dẫn hay không?
Qua trao đổi trực tiếp tại hội nghị, có thể cảm nhận bầu không khí lẫn mối quan tâm của giới đầu tư Mỹ với thị trường Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều. Tôi cho rằng chắc chắn dòng vốn sẽ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn thời gian tới.
Dĩ nhiên quy mô thị trường luôn là điều mà các tổ chức đầu tư lớn phải cân nhắc, do quy mô của họ quá lớn, hoạt động toàn cầu. Tôi tin rằng các quỹ vừa và nhỏ, các quỹ tư nhân sẽ vào trước vì đây là dòng vốn chấp nhận rủi ro tốt hơn. Dòng vốn này hướng tới các cơ hội mua bán sáp nhập, thị trường trái phiếu, các cơ hội cổ phần hóa.
Việc tăng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là nhiệm vụ quan trọng. Thị trường Việt Nam cần được nâng hạng lên thị trường mới nổi và Nghị định 60 là bước đi quan trọng. Điều kiện lớn nhất để được nâng hạng thị trường chính là mở room. Ngoài ra là thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa gắn với niêm yết.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng nhìn thấy rằng khi cổ phần hóa gắn với niêm yết được thực hiện, quy mô thị trường sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này rất quan trọng đối với họ.
Tôi cũng trao đổi thẳng thắn rằng khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới ra đời, quy mô chỉ có 0,2% GDP. Sau 15 năm, quy mô đã là 31% GDP. Có thể thấy rằng quy mô của thị trường Việt Nam còn nhỏ nhưng có tốc độ tăng rất nhanh.
Nếu thực hiện tốt cổ phần hóa gắn với niêm yết, quy mô thị trường có thể đạt 60% GDP.
Theo VnEconomy