Những đại gia mới nổi của thị trường BĐS Việt Nam

Thứ hai, 06/07/2015, 10:15
Các đại gia mới nổi trên thị trường địa ốc và những dự án lớn hứa hẹn sẽ mang đến sự khởi sắc cho thị trường thời gian tới.

Đại Quang Minh và ông chủ Trần Đăng Khoa

Sự xuất hiện của Đại Quang Minh với sự hiện diện của ông Trần Đăng Khoa, khiến giới đầu tư bất động sản không khỏi trầm trồ với cặp vợ chồng trai tài gái sắc này.

Năm 2006, một số người Việt từ châu Âu trở về với những hoạt động tìm kiếm cơ hội để thực hiện đầu tư tại Việt Nam đã lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (Đầu tư Mai Linh). Ông chủ của công ty này là ông Trần Đăng Khoa, và 2 cổ đông cá nhân khác trở về từ Cộng hòa Séc.

Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh

Thời điểm đó, Đầu tư Mai Linh theo đuổi dự án khu căn hộ cao cấp Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội với 3 tòa tháp cao 30 tầng. Tuy nhiên, lúc đó tiếng tăm của Đầu tư Mai Linh còn khá mờ nhạt, mà giới đầu tư bất động sản khi đó thường gọi ông Khoa là “Khoa Keangnam”.

Ông Khoa - sinh năm 1970 - vốn dĩ có tên này là bởi ông tham gia khá sâu vào hoạt động mua bán, giao dịch tại một trong những dự án “hot” nhất thị trường Hà Nội thời điểm 2007-2009 trên vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina-chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower.

Điều hành công ty Mai Linh là vợ ông Khoa, bà Nguyễn Thị Minh Hồng. Đến nay, dự án Golden Palace đang dần về đích với hơn 1.000 căn hộ đang ở giai đoạn bàn giao. Ngoài ra bà Hồng còn là chủ nhân của Công ty CP bất động sản Hồng Ngân cùng với 2 cá nhân khác. Hồng Ngân hiện có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, hiện đang phát triển nhiều dự án lớn tại Hà Nội.

Phối cảnh dự án khu đô thị Sala

Công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, trong đó, cá nhân ông Khoa nắm 17,5% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5% và CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) nắm 45%. Chủ tịch của Trường Hải, ông Trần Bá Dương, hiện là Tổng giám đốc của Đại Quang Minh.

Nếu cộng lại những con số mà các công ty liên quan đến cặp vợ chồng này đã và đang lên kế hoạch phát triển thì con số lên tới trên 27.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án nổi bật là Khu dân cư 37,5ha tại Thủ Thiêm và Khu đô thị Thành phố Xanh hơn 17ha tại Hà Nội.

Ông chủ FLC, một trong 10 doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán

Chỉ trong hơn một năm thâu tóm thành công 3 dự án bất động sản lớn tại Hà Nội, số vốn điều lệ ban đầu năm 2008 chỉ 18 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 1 năm qua FLC Group đã tăng vốn điều lệ 3 lần từ hơn 700 tỷ vào 2012 lên 3.149 tỷ vào tháng 9/2014 vừa qua.

Điều này cho thấy, ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết 39 tuổi, một trong 10 doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán có độ tuổi dưới 40 có tham vọng rất lớn. Sau khi hoàn thành dự án FLC Landmark Tower 25 tầng tại Mỹ Đình, FLC bắt đầu thôn tính nhiều dự án khác.

Ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết

Trong đó, gồm FLC Garden City (8ha) tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, HN tổng giá trị đầu tư ước tính 3500 tỷ, với 5 tòa chung cư cao tầng và khoảng 300 căn biệt thự, liền kề, FLC Complex 36 Phạm Hùng cao 38 tầng xây dựng trên khu đất 5000m2 với tổng số khoảng 500 căn hộ cao cấp, và mới đây nhất FLC vừa công bố thâu tóm thành công dự án Lavender (Hà Đông) 41 tầng.

Ngoài ra, ông chủ FLC còn có tham vọng rất lớn ở Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort khi đại gia này muốn biến khu đất hoang sơ ở cửa sông Mã hướng biển (Sầm Sơn) quy mô 450ha, tổng mức đầu tư 5.500 tỷ thành khu sân golf và khu nghĩ dưỡng cao cấp lớn nhất xứ Thanh.

Đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài

Chỉ chưa tới 3 tháng sau khi lên sàn, đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài đã lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, vượt lên trên những tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm...

Đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài

Gần 63 triệu cổ phiếu MWG tổng mệnh giá 630 tỷ đồng giờ đây đã có vốn hóa lên gần 11.000 tỷ đồng. Kết quả, cả chục cổ đông của DN này trở thành tỉ phú, trong đó có 4 cổ đông sáng lập là Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Trần Huy Thanh Tùng, và Điêu Chính Hải Triều. Cả 4 cổ đông này đều có giá trị cổ phiếu tương đương từ khoảng 500 tỷ đồng trở lên và lọt tốp 40 người giàu nhất trên TTCK tập trung của Việt Nam.

Riêng chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Đức Tài có trên 1.800 tỷ đồng, còn ông Trần Lê Quân có tài sản trên 1.500 tỷ đồng.

Tuấn Lộc và Yên Khánh: Đại gia mới nổi lĩnh vực hạ tầng giao thông

Tuấn Lộc và Yên Khánh đều là những công ty xây dựng kết cấu hạ tầng được thành lập năm 2005. Đến nay quy mô 2 công ty này khá lớn, trong đó Tuấn Lộc có vốn điều lệ 1600 tỷ, nhân sự khoảng 1200 người và Yên Khánh có vốn điều lệ 1000 tỷ. Cả hai Công ty đều do doanh nhân thế hệ 8X sở hữu phần lớn cổ phần.

Cả hai đều đang âm thầm mở rộng kinh doanh bằng việc mua lại phần vốn nhà nước để chi phối các công ty đầu ngành như Cienco 1, Cienco 4.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc), được thành lập năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng cầu, đường, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản…Đến nay, Tuấn Lộc đã có vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng.

Tuấn Lộc do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó ông Trần Tuấn Lộc –một doanh nhân trẻ thế hệ 8X quê ở Nam Đàn, Nghệ An là Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tuấn Lộc cũng là cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất ở Công ty Tuấn Lộc với tỷ lệ nắm giữ 60%; Ba cổ đông còn lại sở hữu Tuấn Lộc gồm ông Trần Tuấn Long sở hữu 15%, ông Nguyễn Trường Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) sở hữu 15% và bà Nguyễn Thị Bình (Nam Đàn, Nghệ An) sở hữu 10%.

Cũng giống với Công ty Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng đang nổi lên trong ngành giao thông.

Yên Khánh cũng mới được thành lập từ năm 2005, với các ngành nghề kinh doanh chính chủ yếu là sản xuất plastic và cao su tổng hợp, bán buôn các loại hàng hóa, xây dựng công trình dân dụng, kinh doanh bất động sản, vận tải hàng hóa,…Đến nay Yên Khánh cũng đã có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng.

Cũng không khác với Tuấn Lộc, Yên Khánh cũng do một nữ doanh nhân trẻ thế hệ 8X sở hữu, đó là bà Vũ Thị Hoan, bà Hoan sinh năm 1985 có hộ khẩu tại phường Bình An, Quận 2, Tp.HCM. Bà Hoan đang nắm giữ 70% Yên Khánh trị giá 700 tỷ đồng, số cổ phần còn lại 30% so bà Đinh Thị Hiên nắm giữ.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group cho biết trong năm 2015 sẽ rót khoảng 1.000 đến 1.500 tỷ để phát triển các dự án. Dù chưa thấm vào đâu so với nhiều “ông lớn” khác nhưng theo ông Bình đây là khoản đầu tư lớn nhất của CEO từ trước đến nay.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group

Không đổ tiền vào những thị trường đang “nóng” tại Hà Nội hay Tp.HCM, bởi theo ông thị trường này vẫn còn khó khăn, nhưng thuyền trưởng của CEO Group lại tự tin rót tiền cho những dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc. CEO hiện đang sở hữu 16 dự án với tổng quỹ đất 700ha, riêng tại Phú Quốc có 3 dự án lớn với tổng diện tích 300ha, trong đó dự án Sonasea Villas and Resorts 80ha tại Bãi Trường có tổng mức đầu tư 4.500 tỷ.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích