Điện giá rẻ: Còn lâu!

Chủ nhật, 05/07/2015, 14:25
Xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh còn nhiều vướng mắc nên trong tương lai gần, giá bán điện chưa thể rẻ

Theo lộ trình, từ năm 2015 sẽ thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2017-2021.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm 2015 sẽ trình Chính phủ. Phương án biểu giá điện mới theo đó sẽ giảm số bậc thang tính giá thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 KWh đầu vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ cho người dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số...

Mập mờ vai trò xã hội và kinh doanh

Thừa nhận ở Việt Nam chưa có thị trường phát điện cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng để cải cách và đưa điện thành mặt hàng cạnh tranh thực sự, cần quan tâm đến 3 yếu tố là giá cả, chất lượng và tính ổn định, bảo đảm trong cung ứng điện.

Người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn

Trong đó, giá thành là một trong những yếu tố quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm. Ông Vịnh cho biết ngoài cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến, hiện nhiều nước trên thế giới áp dụng tính giá điện theo giờ nên dùng điện giờ cao điểm sẽ đắt tiền hơn giờ thấp điểm. Do đó, để người dân được mua điện giá rẻ hơn thì nhất định phải xây dựng được thị trường điện cạnh tranh trong sản xuất, mua bán.

Theo ông, câu chuyện giá năng lượng với mục đích làm thế nào có giá cạnh tranh trên thị trường năng lượng đã được bàn nhiều ngay từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, vẫn cần vai trò của nhà nước để giữ giá ở mức độ ổn định như giá trần, bởi lẽ hiện vẫn chưa tách được trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong việc thực hiện vai trò xã hội và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

“Nếu gắn chức năng giải quyết vấn đề xã hội với hoạt động kinh doanh thì sẽ là cái kênh mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn vin vào để được tạo thuận lợi, hưởng nhiều cái lợi hơn trong hoạt động sản xuất. Muốn giải quyết vấn đề đó, cần trả lời được câu hỏi là sẽ trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng vùng sâu, vùng  xa, người dân tộc thiểu số, khó khăn hay trợ cấp trực tiếp cho nhà sản xuất” - ông Vịnh nói.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng khoác vai trò bảo đảm an sinh xã hội lên một DN, dù là DN nhà nước, trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, DN lại phải vay tiền hoặc tăng giá điện để lấy tiền đầu tư hạ tầng, phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa. Cuối cùng, lợi ích của số đông người tiêu dùng không được bảo đảm.

Phải cắt bớt quyền của EVN

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn thiết lập thể chế thị trường điện cạnh tranh thì cần thay đổi cấu trúc cách thức quản lý. Cụ thể như cần tách bạch hệ thống truyền tải khỏi sản xuất để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau, đặc biệt là để người tiêu dùng được thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của truyền tải phải là giá dịch vụ công ích.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phòng Kinh tế, Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng nhiều chức năng thuộc EVN như truyền tải, giám sát... chính là tồn tại liên quan đến cơ cấu, kỹ thuật. EVN chỉ nên có một chức năng ưu đãi là chức năng điều tiết điện, còn tất cả chức năng khác phải đưa được ra ngoài thì mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mang lại giá điện rẻ cho người tiêu dùng.

Ông Hưng cũng cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường phát điện Việt Nam rất thấp. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều thực hiện hợp đồng dài hạn với EVN về cung ứng điện bởi để xây dựng, phát triển một nhà máy nhiệt điện cần 10 năm mới hoàn tất các thủ tục.

Thời gian quá dài, quá nhiều áp lực nên DN nào cũng muốn có hợp đồng nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài, chắc chắn. “Những DN này đã có mức giá thỏa thuận lâu dài rồi, không tham gia vào đấu giá nữa. Chỉ những DN còn lại mới tham gia đấu giá nên mức độ cạnh tranh không cao. Công suất các nhà máy tham gia thị trường điện cạnh tranh chỉ đạt 48% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống là thấp” - ông Hưng nói.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn