Lỗ hổng
Liên quan đến thông tin giá xăng dầu trong nước không giảm theo biến động giảm của giá xăng dầu nhập khẩu mà tăng mạnh (từ tháng 3/2015, tăng 4 lần), PGS.TS Phan Duy Minh, giảng viên Học viện Tài chính đã chỉ ra một điều mà ông cho rằng đó là kẽ hở trong Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đó là cách tính giá CIF.
Theo nghị định này, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành, được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này.
Trong đó, giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) Phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam.
Theo ông Minh, cách tính giá CIF của Việt Nam chưa hợp lý |
Theo PGS.TS Phan Duy Minh, với cách tính giá CIF này, đây chỉ là giá ảo tưởng và như vậy giá cơ sở chưa hợp lý. Giá CIF ở đây lẽ ra phải là giá xăng dầu thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cộng với các yếu tố khác (phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam).
Dẫn ví dụ giá xăng ở Nga, ông Minh cho biết, hiện giá xăng Ron 92 của Nga dao động từ 36-37 Rúp/lít, trong khi tỷ giá ngoại tệ là 53-54 Rúp đổi được 1 USD. Như vậy, giá xăng bán lẻ khoảng 0,7 USD/lít (khoảng 15.000 đồng/lít).
"Nga không nhập khẩu xăng nhưng giá trên vẫn được coi là giá chung của thị trường thế giới vì đó là một nước lớn trong sản xuất xăng dầu. Trong kinh tế quốc tế, nước nào chiếm thị phần lớn trên thế giới thì giá của nước đó sẽ được coi như giá thế giới. Vài tháng trở lại đây, giá xăng của Nga ổn định ở mức này. Như vậy, có thể nói giá xăng thế giới cũng chỉ khoảng 15.000 đồng/lít, trong khi đó giá xăng ở Việt Nam hiện gần 21.000 đồng/lít.
So sánh giá xăng Việt Nam với giá xăng ở nhiều quốc gia khác - những thị trường lớn trên thế giới và giá của họ được coi như giá thế giới thì thấy giá xăng Việt Nam đều đắt hơn. Sự vô lý nằm ở cách tính giá CIF của Việt Nam".
Ông Minh chỉ rõ, giá CIF trong Nghị định 83 không được tính từ giá thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam mà từ giá xăng dầu trung bình ở đâu đó trên thị trường thế giới, giá này chênh lệch rất nhiều so với giá thực tế nhập khẩu tại các cảng của thị trường Việt Nam mà Tổng cục Thống kê đã công bố. Theo đơn vị này, trong quý II/2015, chỉ số giá mặt hàng xăng dầu nhập khẩu giảm tới 37,84%. Sự không mạch lạc, rõ ràng chính là ở chỗ này.
Lợi nhuận của Petrolimex có từ đâu?
Theo PGS.TS Phan Duy Minh, có thể tính ngay được chênh lệch của giá CIF ảo với giá CIF thực tế nếu dựa theo giá nhập khẩu. Sự chênh lệch này dẫn đến việc doanh nghiệp xăng dầu đòi tăng giá.
"Từ giá tạo thành doanh thu, doanh thu trừ đi chi phí thì sẽ là lợi nhuận, trong khi đó giá này doanh nghiệp xăng dầu đưa ra không phải tính từ giá CIF thực tế mà là giá bình quân trên thị trường thế giới, cách xa so với giá thực tế của hàng nhập khẩu. Bởi thế, lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không phải là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu của Petrolimex mà đến từ việc tăng giá, người tiêu dùng bắt buộc phải mua xăng với giá cao hơn và sự chênh lệch đã tạo nên lợi nhuận cho Petrolimex", ông Minh nói rõ.
Vị giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, Nghị định 83 cần phải thay đổi lại cách tính giá CIF để giá xăng Việt Nam được tính đúng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm:
Giá xăng Việt Nam thay đổi theo nhịp độ của giá thế giới. Vừa qua giá xăng tăng lên là do một số nguyên nhân: thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên nhưng đồng thời được bù trừ bằng cách giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến giá xăng. Nhưng cách làm theo kiểu giằng qua kéo lại như vậy không cần thiết. Dĩ nhiên, giá xăng dầu cần có sự điều tiết của Chính phủ và vừa rồi chúng ta đã làm được bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá. Nhưng quỹ bình ổn giá khi nào được thu, khi nào được xả thì phải bám sát giá thị trường để ổn định giá trong nước, với nguyên tắc không để thiệt cho người tiêu dùng. Nếu để thiệt cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng lan toả và ảnh hưởng vĩ mô, kéo theo lạm phát. Do đó, không nên để giá xăng dầu trong nước cao hơn giá xăng dầu thế giới.Nhưng cách làm theo kiểu giằng qua kéo lại như vậy không cần thiết. Về nguyên tắc, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá quốc tế, nếu giá CIF rớt thì giá xăng dầu trong nước rớt theo. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể điều tiết được bằng các công cụ về thuế, quỹ bình ổn. Nó tuỳ thuộc vào mục đích ngay từng thời điểm nhất định mà cơ quan quản lý nhà nước điều tiết. Nói cách khác, Việt Nam muốn giá bao nhiêu thì nó có thể ra bấy nhiêu. Kinh doanh xăng dầu rất khó lỗ. Nó có thể rơi vào trường hợp khi giá xăng dầu thế giới rớt sâu và doanh nghiệp nhập khẩu đang giữ một lượng xăng dầu lớn mà chưa bán kịp. Nếu doanh nghiệp không điều tiết mà cứ giữ giá cao thì người dân không chấp nhận, còn nếu họ điều chỉnh theo giá thế giới thì bắt buộc phải giảm theo. |
Theo Báo Đất Việt