1 đổi 0,75
Trong hơn 1,5 năm trở lại đây, thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (SouthernBank) được nhắc tới rất nhiều. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 6/2015, đề án sáp nhập này mới được công bố chính thức.
Theo đó, ngân hàng sáp nhập vẫn được giữ tên Sacombank. Vốn điều lệ của ngân hàng sáp nhập sẽ là vốn điều lệ cộng ngang của các bên tham gia sáp nhập.
Đồng thời, Sacombank sẽ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho việc tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế năm 2013 và năm 2014 và cổ phiếu thưởng từ thặng dư cho cổ đông cũ của Sacombank.
Ngân hàng Saconbank và Southern Bank |
Sau chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của Sacombank (cũ) sẽ tăng từ 12.425,116 tỷ đồng lên 14.852,65 tỷ đồng. Cộng với vốn 4.000 tỷ đồng của SouthernBank, vốn điều lệ của Sacombank (mới) sẽ đạt trên 18.853 tỷ đồng và lọt vào top 5 ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam.
Sau sáp nhập, ngân hàng mới có tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng, nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Sacombank sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia và Lào; Có tổng số lượng khách hàng đạt khoảng 3,5 triệu người và có tổng số nhân viên đạt trên 15.510 cán bộ
Cơ cấu cổ đông dự kiến của Sacombank (mới) theo danh sách cổ đông chốt tại ngày hưởng quyền. Theo đó, dự kiến tỷ lệ chuyển đổi sẽ như sau: 1 cổ phiếu của SouthernBank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phiếu của Sacombank; 1 cổ phiếu của cổ đông cũ Sacombank sẽ nhận thêm 0,387 cổ phiếu của Sacombank.
Theo đó, dự kiến cơ cấu cổ đông sau sáp nhập theo tỷ lệ sở hữu: Cổ đông nắm giữ trên 5% cổ phần: 01 cổ đông; Cổ đông nắm giữ từ 1% - 5% cổ phần: 23 cổ đông; Cổ đông nắm giữ dưới 1% cổ phần: 65.022 cổ đông.
Về cơ bản, ngân hàng sau sáp nhập vẫn giữ nguyên cơ cấu nhân sự hiện tại của Sacombank, có bổ sung thêm các cá nhân có năng lực quản trị và năng lực chuyên môn cao từ SouthernBank.
Hội đồng Quản trị của Sacombank (mới) với thành phần nòng cốt là các thành viên Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015. Tổng Giám đốc của Sacombank (mới) Tổng Giám đốc của Sacombank hiện nay.
Ban Tổng Giám đốc của Sacombank sẽ là nòng cốt của ngân hàng sáp nhập. Ban Tổng Giám đốc của SouthernBank sẽ được phân công và bổ sung cho ngân hàng sáp nhập dựa trên nhu cầu thực tế và quy mô hoạt động của ngân hàng sáp nhập.
Quyền lợi, nghĩa vụ được đảm bảo
Trong tóm tắt đề án, các bên khẳng định mọi quyền lợi và nghĩa vụ của các bên được đảm bảo. Cụ thể:
Thứ nhất, việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và do Đại hội đồng cổ đông 2 Ngân hàng quyết định; hợp nhất vốn, tài sản, công nợ theo giá trị sổ sách của Southern Bank vào Sacombank.
Thứ hai, đảm bảo sự kế thừa quyền, nghĩa vụ. Sacombank sau sáp nhập sẽ tiếp nhận và thực thi các quyền của chủ sở hữu đối với toàn bộ tài sản, thương hiệu, hình ảnh, tên gọi, mã chứng khoán, các tài sản sở hữu trí tuệ khác; chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ, các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính; tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ đối với các giao dịch dân sự, kinh tế thương mại, lao động do hai ngân hàng này đã xác lập trước đó.
Sacombank sau sáp nhập sẽ có nghĩa vụ phải đảm nhận tất cả những trách nhiệm đối với những hợp đồng/thỏa thuận mà Sacombank và Southern Bank là một bên trong đó – những hợp đồng mà vẫn còn tiếp tục có hiệu lực sau ngày sáp nhập.
Thứ ba, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Sacombank sau sáp nhập sẽ sử dụng tất cả cán bộ, nhân viên hiện tại của Sacombank và Southern Bank vào ngày sáp nhập.
Thứ tư, bảo đảm an toàn tài sản, hoạt động liên tục và các giao dịch thường xuyên của các ngân hàng. Nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức trong quá trình sáp nhập và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Theo VTC