Cổ phiếu JVC giảm điểm liên tục làm nhà đẩu tư lo lắng ( Ảnh minh họa ) |
Ngày 27/06, cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật tiếp tục giảm sàn và hiện chỉ còn 8.700 đồng/cp, tương đương với việc đã mất đi gần 60% thị giá tính từ ngày 09/06 đến nay.
Giá cổ phiếu JVC lao dốc không phanh trong nửa tháng nay |
Đây đó đã nhen nhóm suy nghĩ “bắt đáy JVC” của một số nhà đầu tư dựa trên tài sản của công ty. Mà ít rủi ro nhất trong con mắt của đa số nhà đầu tư, chính là số dư tiền mặt của công ty.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, tại ngày 31/03/2015 – ngày kết thúc năm tài chính của JVC, số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 496,4 tỷ đồng bao gồm 465,8 tỷ tiền mặt tại quỹ và 30,6 tỷ tiền gửi ngân hàng; các khoản đầu tư ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng) là 285,6 tỷ.
Tổng số dư này là 782 tỷ - chiếm 39% tài sản ngắn hạn và 31% tổng tài sản của JVC.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý lại chính là khoản tiền mặt tồn quỹ 465,8 tỷ nói trên.
Đây có thể là số tiền thu về từ đợt phát hành 50 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp để huy động 750 tỷ từ cuối năm trước. Theo kế hoạch của JVC, 750 tỷ được sử dụng để đầu tư vào việc mua sắm thiết bị khám sức khỏe lưu động, liên kết thiết bị y tế tại các bệnh viện, trung tâm kỹ thuật cao tại các bệnh viện và tổng thầu vật tư tiêu hao.
Tổng nhu cầu đầu tư vốn vào các dự án thuộc 4 lĩnh vực nêu trên khoảng 1.008 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là khoản Đầu tư thêm các máy cấu hình cao với số vốn cần là 426 tỷ đồng.
Trong một lần chia sẻ với chúng tôi, bà Hồ Bích Ngọc – Kế toán trưởng của JVC đã cho biết, phần vốn từ đợt huy động này được sử dụng cho 21 dự án, trong đó có dự án đầu tư liên kết thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với tổng vốn là 80 tỷ.
Theo lẽ thường, việc góp vốn phải được thực hiện qua hệ thống ngân hàng, do đó khoản tiền 465 tỷ này phải nằm trong hệ thống ngân hàng chứ không rút về tồn quỹ. Có chăng, JVC đã rút tiền mặt về để dùng cho “khoản Đầu tư thêm các máy cấu hình cao với số vốn cần là 426 tỷ đồng” nặng ký trên? Dù vậy, việc mua sắm các thiết bị này cũng thường được thực hiện qua hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Công ty chứng khoán HVS Việt Nam đã bày tỏ sự nghi ngờ rằng, với số tiền lên đến 465 tỷ đồng thì JVC cần phải có một cái kho đủ lớn và an toàn chỉ để chứa tiền và việc kiểm kê tiền mặt vào ngày cuối năm có lẽ phải mất cả ngày. Ngay cả một chi nhánh ngân hàng cũng khó có thể tồn số tiền lớn này.
“Do đó, chúng tôi cho rằng khoản tiền mặt này là khá rủi ro về góc độ đầu tư. Liệu rằng khoản tiền này sẽ đi đâu và hiện đang ở đâu? Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này nhưng rõ ràng là tài sản được cho là kém rủi ro nhất lại trở nên quá rủi ro.” – Công ty chứng khoán HVS nhận xét.
Dù thế nào đi nữa, một câu hỏi tiếp tục được đặt ra là nếu sự hiện hữu của khoản tiền tồn quỹ đó là thật thì hiện khoản tài sản này đang ở đâu và được sử dụng như thế nào? Nếu toàn bộ khoản tiền mặt đã được nộp vào tài khoản ngân hàng thì tính rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, cho dù Ban Giám Đốc công ty có xác nhận rằng số tiền này đã được nộp vào tài khoản thì rủi ro cũng vẫn là quá lớn khi chưa có sự xác nhận của kiểm toán.
“Điều làm cho NĐT có thể an tâm chính là HĐQT cần phải yêu cầu công ty kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2015 (01/04/2015 đến 30/06/2015) cho dù quy định không yêu cầu thậm chí nhóm cổ đông lớn (>10%) cũng có quyền yêu cầu kiểm toán công ty để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cũng như cứu vãn giá cổ phiếu của chính mình.” – HVS khuyến nghị.