Trong một trao đổi mới nhất với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc IATA Tony Tyler cho biết hàng không là một yếu tố hậu thuẫn rất tốt cho nền kinh tế. Do vậy, công suất các sân bay hạn chế sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam và các ngành kinh tế liên quan.
"Cần tận dụng tối đa lợi ích kinh tế mà hàng không mang lại"
Thời điểm này, không chỉ Việt Nam mới nóng lên câu chuyện liên quan tới đầu tư sân bay, mà Long Thành là một ví dụ điển hình khi cuộc tranh luận nên hay không nên đầu tư dự án đã kéo dài cả năm qua và ngày mai 25/6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua hoặc bác bỏ dự án xây cảng hàng không quốc tế lớn này.
Tổng giám đốc IATA Tony Tyler |
Chỉ cách đây hơn một tuần, tại Miami (Hoa Kỳ) câu hỏi "ai sẽ là người đầu tư sân bay" cũng là một vấn đề nóng được đặt lên bàn nghị sự của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Trong bài phát biểu trước 1.000 đại biểu đại diện cho 257 hãng thành viên và các phóng viên quốc tế tại hội nghị thường niên của IATA, ông Tony Tyler khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng hàng không đối với mỗi quốc gia. Và trách nhiệm này thuộc về Chính phủ.
“Kết nối hàng không không chỉ là một lợi thế cạnh tranh mà còn là một nhu cầu kinh tế cấp thiết và nó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng. Cho dù dịch vụ sân bay và điều hành bay… được quản lý bởi các doanh nghiệp công hay tư nhưng chính phủ có trách nhiệm đảm bảo về sự sẵn có của các cơ sở hạ tầng và giá sử dụng dịch vụ hạ tầng hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng”, Tổng giám đốc IATA nói.
Cũng chung mong muốn này, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh chia sẻ bên lề hội nghị thường niên IATA, điểm khác biệt cũng là thách thức lớn mà Vietnam Airlines đang gặp phải khi so sánh với các hãng hàng không quốc tế khác là cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Để thay đổi được điều này, cần sự đầu tư rất lớn không chỉ của Vietnam Airlines mà còn của cả ngành Hàng không, của đất nước.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chạm ngưỡng quá tải trong khi dự án thay thế là CHK Long Thành vẫn chưa thể được triển khai |
Theo ông Minh, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt tập trung vào sự phối hợp hiệu quả, minh bạch giữa sân bay và các hãng hàng không; xây dựng và thực hiện những kế hoạch phát triển dài hạn, đảm bảo sự phát triển của các sân bay đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Minh cho biết đang rất mong chờ dự án CHK quốc tế Long Thành được QH thông qua chủ trương đầu tư. Đây sẽ là một bệ phóng, thúc đẩy tăng trưởng hàng không trong thời gian tới trong bối cảnh Tân Sơn Nhất đã ngấp nghé ngưỡng quá tải.
Trung Quốc đang xây dựng sân bay 100 triệu khách thứ hai
Trao đổi thêm với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc IATA Tony Tyler cho rằng: Việt Nam cần tận dụng tối đa và đầy đủ các lợi ích kinh tế mà hàng không mang lại trên các lĩnh vực kinh doanh, tạo việc làm và du lịch.
Việt Nam cần có một chính sách hàng không mạnh mẽ và năng động nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng của hàng không và tạo ra môi trường hoạt động vững chắc và dài hạn cho các công ty hàng không, sân bay và các ngành có liên quan. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển một lộ trình tăng trưởng hàng không và giúp nhận diện những sân bay cần đầu tư.
Hiện nay, Châu Âu mà ví dụ cụ thể là London đã mất nhiều năm chưa thể quyết định triển khai thêm các dự án sân bay lớn trong khi Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển hàng không đã bắt đầu xây dựng sân bay 100 triệu hành khách thứ hai ở thủ đô. Hongkong cũng đang theo đuổi việc mở rộng sân bay vốn được đánh giá là thành công nhất thế giới của họ.
Chia sẻ tại hội thảo của IATA được tổ chức ngày 11/6, ông Michael P.Huerta, đại diện của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ khẳng định đầu tư cơ sở hạ tầng phải được giải quyết một cách tổng thể với tầm nhìn 50 năm. Không thể chờ hạ tầng hiện có quá tải mới bắt đầu đầu tư. Giám đốc điều hành Aeromexico Andrés Conesa thì cho biết ngay khi đầu tư giai đoạn 1 của sân bay đã phải chuẩn bị cho giai đoạn 2 với công suất lớn hơn.
Tuy nhiên, đầu tư cho sân bay không chỉ là mở rộng cơ sở hạ tầng mà còn cần quản lý khai thác tốt nhất hạ tầng hiện có, ông Ivan Chu - Giám đốc điều hành Cathay Pacific cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với PV Giao thông, Tổng giám đốc IATA Tony Tyler cũng khẳng định song song với việc đầu tư mới đáp ứng quy hoạch và yêu cầu thì để nâng cao công suất sân bay cần tận dụng tối đa tiềm năng của hạ tầng hiện có bằng cách điều phối giờ cất hạ cánh hợp lý và sử dụng công nghệ trong làm thủ tục, cung cấp dịch vụ khác... để tăng khả năng thông qua khách tại cảng hàng không.
Trong một trao đổi mới nhất với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc IATA Tony Tyler cho biết hàng không là một yếu tố hậu thuẫn rất tốt cho nền kinh tế. Do vậy, công suất các sân bay hạn chế sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam và các ngành kinh tế liên quan.
Theo Báo GiaoThông.