Xuất khẩu bế tắc, giá lúa gạo giảm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết tháng 5/2015, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, thu về hơn 870 triệu USD (giảm trên 10% về lượng, 13% trị giá so cùng kỳ năm 2014). Lãnh đạo VFA cho biết, đến nay, hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đạt trên 3,5 triệu tấn, giảm gần 8% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hợp đồng tập trung gần 800 nghìn tấn, còn lại là hợp đồng thương mại. Lượng gạo còn chưa giao theo hợp đồng khoảng 1,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), tình hình xuất khẩu gạo năm nay rất bế tắc. Một số đối thủ cạnh tranh trực tiếp mặt hàng gạo với Việt Nam có gạo tồn kho lớn, như: Thái Lan khoảng 15-16 triệu tấn, Ấn Độ trên 23 triệu tấn.
Lãnh đạo VFA cho biết, Thái Lan đang có xu hướng giảm giá gạo để giảm tồn kho. Còn Ấn Độ, Pakistan cũng đang cạnh tranh gay gắt tại thị trường châu Phi và Trung Đông; Myanmar, Campuchia đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường EU,
Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu khó khăn, giá lúa trong nước đang ở mức thấp và có xu hướng sụt giảm. Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một số nơi thu hoạch lúa hè thu sớm. Hiện giá thu mua lúa ở mức 4.150 - 4.250 đồng/kg (lúa tươi giống IR 50404). “Dù Việt Nam vừa trúng hợp đồng cung cấp 150 nghìn tấn gạo cho Philippines, nhưng giá lúa có xu hướng giảm và đứng ở mức thấp”- ông Đô nói.
Trước tình hình trên, VFA đề xuất thu mua tạm trữ lúa gạo hè thu. Tuy nhiên, theo ông Đô, với mức giá trên, so với giá thành lúa hè thu do Bộ Tài chính công bố hồi giữa tháng 5 (bình quân 4.091 đ/kg), nông dân có lợi nhuận xấp xỉ 30%. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình giá cả thu mua lúa hè thu, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ (tháng 7, 8) để đề xuất số lượng và thời gian thu mua lúa hè thu hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân”-ông Đô nói.
Bỏ tư duy lúa năng suất cao, giá rẻ
Trong số hơn 2,1 triệu tấn gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc tiêu thụ lúa gạo Việt Nam lớn nhất, với thị phần khoảng 35%. Thực tế, nhu cầu lúa gạo từ Trung Quốc rất lớn, nhưng từ giữa năm ngoái đến nay, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu gạo qua biên giới với Việt Nam, khiến xuất khẩu gạo trong nước gặp khó khăn, rủi ro, khó lường. Thậm chí, năm ngoái, nhiều hợp đồng đã ký qua chính ngạch cũng bị hủy bỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích Vượng, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Xuất Nhập khẩu Hưng Thịnh (Lào Cai)- một DN chuyên xuất gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc cho biết, khoảng 3 tháng đầu năm, thi thoảng xuất được vài chuyến. Từ đầu tháng 4 lại đây, Trung Quốc lại “làm căng”, không đi được lô nào, hàng nghìn tấn gạo nằm “chết dí” trong kho. Bà Vượng nói: “Chúng tôi đang lo nếu gạo chất đống, trả tiền lãi ngân hàng đã chết, mùa mưa tới gần nguy cơ ẩm mốc, xuống cấp, gạo mất giá còn chết nữa”.
Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng của Cty CP Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam (Agromonitor)- chuyên gia lúa gạo cho biết, giá gạo nước ta thấp vì DN xuất khẩu gạo Việt Nam đang phải đối mặt với người mua quyền lực- là những tập đoàn xuất khẩu hàng đầu thế giới chi phối về giá xuất khẩu. Đây là những tập đoàn có doanh thu 60-70 tỷ USD/năm, DN Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với họ.
Trong khi đó, lâu nay gạo Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc; phần lớn là gạo phẩm cấp thấp. Ông Diệu cho rằng: “Chúng ta đang rơi vào cái bẫy bán gạo phẩm cấp thấp, thanh toán rất rủi ro với Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ công bố con số thực về nhu cầu nhập bao nhiêu gạo. Dù cần rất lớn, nhưng số liệu họ đưa ra nhỏ. Họ không dại gì phải công bố nhập nhiều vì bất lợi cho họ về giá cả, thị trường. Năm ngoái, Trung Quốc nhập tiểu ngạch của Myanmar 1 triệu tấn, duy trì tình trạng đó để hưởng lợi, chứ không làm xuất khẩu chính ngạch”.
Ông Diệu cho rằng, dù xuất gạo nhiều sang Trung Quốc, nhưng ít DN hiểu được thị trường này, các thông tin chỉ dừng lại ở cửa khẩu. Trong khi đó, đội ngũ bán hàng chỉ thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung hạn chế. Theo ông Diệu, để thoát khỏi “bẫy” gạo phẩm cấp thấp, Việt Nam cần phải tăng sản xuất gạo thơm, chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh, có thể xuất đi nhiều thị trường, phân tán rủi ro. Nhà nước cần có chiến lược, chuyển đổi cơ cấu gạo xuất khẩu khoảng 2-3 triệu tấn gạo thơm sẽ có lợi cho gạo xuất khẩu nước ta.
Còn ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Muốn gạo xuất khẩu giá tốt, cần nâng cao chất lượng hạt gạo, bỏ tư duy thích trồng lúa năng suất cao, nhiều tấn nhiều tạ của người nông dân, thích mua gạo giá rẻ của DN. “DN kinh doanh phải đi khai thác, tìm hiểu thị trường xem họ cần loại gạo gì để về liên kết nông dân sản xuất, chứ không phải đi mua thóc rẻ của dân để bán rẻ cho thị trường dễ tính khi họ cần mua gấp”- ông Nam nói.
Theo nhận định của VFA, năm nay Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 4 triệu tấn gạo (trong đó họ đã ký thỏa thuận với Thái Lan 2 triệu tấn) và có khả năng lớn hơn. Ngoài ra, các nước trong khu vực ASEAN cũng có nhu cầu nhập trên 4 triệu tấn; trong đó Philippines khoảng 1,7 triệu tấn, Malaysia khoảng 1,1 triệu tấn, Indonesia 1,3 triệu tấn. Châu Phi dự kiến nhập hơn 10 triệu tấn. |
Theo Tiền phong