Mỹ đầu tư mạnh: Cơ hội Việt Nam tiệm cận Singapore

Thứ hai, 22/06/2015, 15:39
"VN có thể được nhiều phương diện thu hút công nghệ cao, tinh thần, kiểu cách kinh doanh kiểu Mỹ"- TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PV:- Thưa ông, nếu  VN ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU và TPP,  theo nhiều nhận định trong thời gian tới VN sẽ bùng nổ làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn, trong đó có cả đầu tư vào công nghệ cao, có hàm lượng chất xám cao. Sự tăng tốc đầu tư của Mỹ vào VN cùng sự mở rộng của doanh nghiệp công nghệ cao như Intel sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho Việt Nam?

TS Lê Xuân Sang: Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và TPP,  về mặt lý thuyết có thể giúp tăng mạnh đầu tư giữa các thành viên tham gia, nhất là đầu tư vào Việt Nam từ các quốc gia phát triển này.

Tuy vậy, việc bùng nổ vào lĩnh vực đầu tư nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tùy thuộc vào chiến lược, động cơ đầu tư, các lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như môi trường đầu tư - kinh  doanh của Việt Nam và những lợi ích tiềm năng mà các nhà đầu tư  nước ngoài  có thể thu được từ hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài thường có 4 động cơ chính khi đầu tư ra nước ngoài, đó là động cơ nâng cao hiệu quả kinh doanh; mở rộng thị trường; tìm kiếm, khai thác tài nguyên; và tìm kiếm, thâu tóm, mua lại, hợp nhất các tài sản chiến lược (chủ yếu thông qua M&A).

Hai động cơ khác, với các mức độ khác nhau cũng có liên quan tới 4 động cơ trên là vị trí địa kinh tế/địa chính trị và chiến lược san sẻ rủi ro đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư (không bỏ trứng vào một giỏ).

Các nhà đầu tư nước ngoài thường có 4 động cơ chính.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ cũng theo một số, thậm chí tất cả 6 động cơ trên, tùy ngành hàng, lĩnh vực đầu tư. Có thể nói hầu hết các nhà đầu tư đều có động cơ nâng cao hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường vào Việt Nam (một thị trường có trên 90 triệu dân, chủ yếu là người trẻ tuổi, tăng trưởng GDP và thu nhập cao, có thiên hướng tiêu dùng cao, nguồn lao động giá tương đối rẻ, khéo tay...).

Động cơ tìm kiếm, khai thác tài nguyên có thể thấy nhiều nhất ở các nhà đầu tư Trung Quốc. Các nước phát triển và chuyển đổi khác như Mỹ, Anh, Nga cũng tham gia trong lĩnh vực khai thác dầu khí, dẫu thế, Mỹ và Anh lại thoái lui đầu tư một số dự án chủ yếu có liên quan tới những vấn đề chính trị (tranh chấp chủ quyền lãnh hải). Các hoạt động M&A khá sôi động trong vài ba năm gần đây với các nhà đầu tư đến cả từ các nước phát triển và đang phát triển.

Vấn đề địa kinh tế, địa chính trị và san sẻ rủi ro (còn gọi là Trung Quốc cộng (+) được các nước phát triển (Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc) coi trọng trong thời gian gần đây, khi các xung đột lãnh hải bùng phát. Mỹ là nước tích cực nhất trong theo đuổi các động cơ này, nhất là khi nước này có chiến lược chuyển trục sang Đông Á, với TPP được coi là công cụ kinh tế - chính trị thực hiện chiến lược này.

Cuối cùng, có hai yêu tố nữa khiến Việt Nam trở nên "hấp dẫn" các nhà đầu tư nước ngoài là khung pháp lý còn không ít lỗ hổng, chế tài xử phạt vi phạm yếu kém (ví dụ về chuyển giá, ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng,..) và yếu kém trong giám sát cấp phép, thực hiện lĩnh vực hoạt động đầu tư (ví dụ cho phép đầu tư bất động sản trên bãi biển, những nơi nhạy cảm về an ninh,...).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm tháng 2/2015, Mỹ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn trên 11.035 tỷ USD, xếp thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ đã có mặt hầu hết các ngành nghề đầu tư vào 17/18 ngành nghề và có mặt tại 42/63 tỉnh thành. Sự có mặt của các doanh nghiệp Mỹ vừa là cơ hội cho một số nhóm ngành, ví dụ công nghệ thông tin (IT) vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước (ví dụ, một số ngành chăn nuôi, trồng trọt). Tuy vậy, cơ hội và thách thức không phải là tuyệt đối một chiều.

Việc thu hút đầu tư ngành công nghệ cao (ví dụ như smartphone) có đóng góp quan trọng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm, song giá trị gia tăng tạo ra trong nước thường quá thấp (cách đây khoảng 5 năm, mỗi một chiếc Iphone tạo ra giá trị gia tăng cho Trung Quốc chỉ 1 USD). Như vậy, đầu tư công nghệ cao từ Mỹ vào Việt Nam là tích cực, song điều quý báu hơn là các dự án đầu tư này nên mang lại lợi ích kinh tế - công nghệ, tạo tác động lan tỏa đối với nền kinh tế Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Theo Báo ĐấtViệt

Các tin cũ hơn