Chủ tịch nước phát biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo lão thành nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng VN sáng nay tại Phủ Chủ tịch.
Muốn biết điều dân quan tâm
Trao đổi tại đây, Chủ tịch nước trăn trở những kỳ vọng trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc - sự kiện chính trị quan trọng nhất, bao trùm hiện nay. Ông cho hay thường xuyên trao đổi với cơ quan tuyên giáo để nắm bắt động thái xã hội, điều dân quan tâm. Đây là việc quan trọng bởi đóng góp của nhân dân có vai trò quan trọng, là người "quyết định".
Chủ tịch nước: Không đóng cửa được đâu. Đừng phấn khởi vì tăng trưởng 7%, 8%. Đó là giai đoạn VN được ưu đãi |
Nhắc việc khẩn trương triển khai Hiến pháp đang diễn ra, Chủ tịch nước kỳ vọng về những tư duy phát triển mới mở ra, được trao đổi, bàn bạc tranh luận trên tinh thần dân chủ về những trăn trở đổi mới. Tất cả hệ thống cùng phải cố gắng.
Chủ tịch nước cho hay người dân nóng lòng không chỉ mong muốn đất nước thoát nghèo, kém phát triển, không chỉ dừng ở mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó, phải thực hiện tốt thành công nhiệm vụ đưa đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đã xác định
"Tôi cũng nói thật với các đồng chí, nhiều người lo lắm, mà tôi cũng trăn trở lắm. 5 năm tới dự thảo mình chỉ dám đưa mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%. Có nghĩa chưa bằng mấy thời kỳ trước, giai đoạn trước có năm 7-8%. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, nếu sức nền kinh tế yếu nhỏ thì người ta đè bẹp, không có việc thông cảm năn nỉ gì đâu. Kinh thế thị trường mạnh được yếu thua" - Chủ tịch nước phát biểu.
Chủ tịch nước dẫn chứng thách thức cạnh tranh kinh tế cận kề khi từ 1 /1 /2016, thuế suất giữa TQ với các nước ASEAN chỉ còn 0%.
"Một cuộc áp đảo về hội nhập kinh tế tác động đến chính trị, văn hóa toàn diện. Mình đã tuyên bố hội nhập. Đất nước phát triển đã rõ nhưng thách thức rất kinh khủng bên cạnh nhiều mặt lợi của hội nhập. Nếu mình đóng cửa thì diện mạo đất nước mình bây giờ như thế nào? Mở cửa hội nhập mới được như vậy. Nhưng giai đoạn trước mình được ưu đãi nhiều, giờ phải cạnh tranh bình đẳng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu công nghiệp hóa không chỉ để vượt bẫy trung bình phát triển mà để nền kinh tế đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.
"Không đóng cửa được đâu. Đừng phấn khởi vì tăng trưởng 7%, 8%. Đó là giai đoạn VN được ưu đãi. Nhiều khi coi con số phấn khởi nhưng phải hiểu con số xuất phát từ đâu" - Chủ tịch nước nói.
Báo chí phải phê phán mặt xấu
Cho hay ông luôn dành thời gian theo dõi báo chí để nắm bắt bức tranh xã hội, những ủng hộ hay bức xúc của người dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trong công cuộc giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước được phồn vinh như ngày hôm nay luôn có những dấu ấn đậm nét của báo chí.
Những người làm báo không chỉ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, định hướng dư luận mà còn có những phát hiện, phản biện tích cực trước những vấn đề của đất nước.
Chủ tịch nước hy vọng, trong thời kỳ mới, báo chí cần đưa được những thông tin đến mọi người dân. Đó cũng là sứ mạng muôn đời của báo chí cách mạng VN trong công cuộc phát triển đất nước.
Chủ tịch nước cũng chỉ ra, báo chí tuy có nhiều ưu điểm song khuyết điểm vẫn còn lớn. Báo chí làm sao phải phê phán được mặt xấu đồng thời gây được lòng tin với quần chúng.
Theo Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ, Hội hiện có 22.000 hội viên làm việc trong các cơ quan nhà nước. Cả nước có 845 cơ quan báo chí, trên 1.100 ấn phẩm của các báo, tạp chí TƯ và địa phương, 1 hãng thông tấn quốc gia, 64 đài phát thanh truyền hình tỉnh, TP; 98 cơ quan báo chí điện tử...
Phản ánh trăn trở của báo chí hiện nay, Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn cho biết, báo chí hiện luôn phải đối mặt, cạnh tranh với các mạng thông tin xã hội và việc chăm lo đời sống kinh tế tinh thần cho nhân viên cũng như quản lý về mặt đạo đức.
Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn |
Đó là những việc phải đối mặt hàng ngày, nhiều khi những người làm báo phải cuốn vào chuyện "cơm áo gạo tiền", dẫn đến xao nhãng, xa rời tôn chỉ mục đích mà không hề mong muốn.
Ông khẳng định, muốn tạo được lòng tin trong xã hội thì bản thân tờ báo cũng phải lạc quan, tạo nên không khí lạc quan cho xã hội. Muốn vậy, người làm báo cũng phải lạc quan bằng cách bản thân phải tìm hiểu thông tin kỹ, được thông tin và có sự động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhắc lại lời của Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân khi tới thăm báo hôm 13/6 là làm sao tạo được lòng tin trong người đọc, trong nhân dân, trong bối cảnh thông tin rất nhiều và nhiễu thì làm sao phải tồn tại và đứng vững được, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, báo VietNamNet sẽ cố gắng đạt được điều này.
Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định báo VietNamNet sẽ là tờ báo lạc quan, góp phần làm cho đất nước trong 5 - 10 năm tới tạo nên sinh khí mới để tăng trưởng nhanh, bền vững.
Theo Vietnamnet