Chợ Campuchia độc nhất ở Sài Gòn

Thứ sáu, 19/06/2015, 10:43
Khu chợ ấy nằm ở một xóm nhỏ, vốn là nơi quần tụ sinh sống và buôn bán của người gốc Campuchia. Người dân hay gọi là "Chợ Campuchia", "Chợ Miên", "Chợ Nam Vang", hay chỉ đơn giản là "Chợ Lê Hồng Phong".
Quán chè, xôi xiêm của cô Huỳnh Thị Huôi tại chợ Campuchia.

Người dân Sài Gòn vốn quen khu chợ Hồ Thị Kỷ như là điểm giao thương giữa các đầu mối hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam, chợ với các loại ẩm thực "trứ danh" mà người mê ăn vặt nào cũng rành. Tuy nhiên, ít ai biết lọt thỏm trong khu chợ ngoằn ngoèo ấy có một con xóm nhỏ là nơi quần tụ sinh sống và buôn bán của người gốc Campuchia. Người dân hay gọi là "Chợ Campuchia", "Chợ Miên", "Chợ Nam Vang", hay chỉ đơn giản là "Chợ Lê Hồng Phong".

Cách dễ nhất đi đến chợ Campuchia này là thẳng vào con hẻm 374/51 đường Lê Hồng Phong, quận 10, hoặc đi từ chợ Hồ Thị Kỷ vào. Từ ba con đường huyết mạch của quận 10 là Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ và Hùng Vương rẽ vào các hẻm nhỏ dẫn vào chợ Hồ Thị Kỷ đều có thể hỏi đường đi đến chợ Campuchia vì người dân chung quanh ai cũng rành rẽ.

Người ta có thể dễ dàng nhận ra ngay đặc trưng văn hóa của nước láng giềng bởi biển hiệu có đề chữ Campuchia bên cạnh Việt, cách bố trí khu chợ rất riêng biệt. Ở đó, có các món rau, khô, nhu yếu phẩm Campuchia bày bán la liệt. Và nhất là những bà, những chị tuy nói tiếng Việt nhưng vẫn giữ cách vận xà rông khi còn ở bản quán, họ có nước da ngăm đen, tính tình hiền hòa dễ chịu.

Khu chợ này đã có trên dưới 20 năm đi cùng theo sự biến động của dòng người từ Campuchia di cư sang Việt Nam và dòng chảy hồi hương của những Việt kiều đã từng sống và làm ăn trên xứ chùa tháp. Cô Huỳnh Thị Huôi, một phụ nữ Việt có mẹ là người Campuchia, vừa tiếp chuyện vừa cắm cúi múc chè cho khách.

"Nhiều người nghe tên thì tưởng cô là người Campuchia gốc, nước da lại đen sậm, tóc xoăn, nhưng thực ra cô cũng là con lai Việt Nam như hầu hết những con người trạc tuổi" ở đây, cô Huôi tâm sự.

Chị Hà, con gái của cô Huôi nói: "Mẹ Huôi cũng như nhiều người Campuchia khác, chạy khỏi quê hương để tránh những xung đột chính trị đang xảy ra trong nước, từ khoảng năm 1977 trở về sau. Lúc đó, người thân bên ngoại tôi vẫn còn ở Campuchia, sau này mới qua Việt Nam dần dần".

Cộng đồng Campuchia trong chợ rất đa dạng. Họ có thể là những người Campuchia chính gốc, sống ở Việt Nam lâu năm nên xem đất khách như là quê hương thứ hai, lấy vợ, lấy chồng là người Việt dẫu vẫn còn xuôi ngược về quê nhà để trao đổi hàng hóa. Có những người lại là thế hệ thứ hai, là con lai chỉ còn biết đến Campuchia qua những thứ họ bán hàng ngày để mưu sinh.

Có một bộ phận nhỏ trong chợ là những Việt kiều Campuchia đã hồi hương, họ trở về khi biến cố "tiêu diệt Việt kiều" xảy ra dưới thời chính quyền Lon Non năm 1970, mang theo về một khoảng đời ở nơi mà họ đã từng bám víu. Hầu hết họ bán ở ngay khoảng sân nhỏ trước nhà, có những người sống ở quận 8, Long An cũng đều đặn hàng ngày lên đây buôn bán.

Đặc sản lạ miệng

Các món đặc sản Campuchia ở chợ hầu hết là chè bánh, khô, cá, rau quả, bún, mắm, thốt nốt và các nhu yếu phẩm mang sang từ bên kia biên giới.

Hàng trăm loại khô cá, ếch, rắn xâu vào nhau thành từng xấp, treo từng dãy với đủ thứ màu sắc phù sa. Từng thau ba khía đầy vun, mùi mắm nồng đặc khiến ai đi ngang khu chợ cũng phải ngoái nhìn. Do đặc trưng của vùng sông nước, các loại khô ở chợ được làm từ hàng chục loại cá khác nhau đánh bắt ở Biển Hồ có giá từ 50.000 đến hơn 200.000 đồng, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu.

Khô Campuchia nổi tiếng nhất là các loại khô cá nước ngọt, thịt dày mà lại ít xương hoặc xương mềm. Cá lóc hầu như là loại khô cá phổ biến nhất, được chế biến thành nhiều món khô khác nhau với nhiều cách phơi hoặc kích cỡ. "Giá thấp như cá lóc, cá sặc, nhái phơi khô thì tầm 150.000 đồng đến hơn nửa triệu đồng mỗi ký.

Cá biệt có những loại khô giá đến cả triệu bạc một ký như khô cá tra Biển Hồ, dịp Tết cháy hàng không kịp mà bán", một tiểu thương trong chợ chỉ từng loại khô, phân tích.

Sạp khô kiêm luôn quán bún "num-bo-chóc" mang tên Tư chiếm một góc lớn ngay ngã tư giữa trung tâm, đồng thời là quán bún num bo chóc nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhiều người Campuchia thèm vị quê nhà hoặc người có gốc gác Khmer miền Tây các vùng như An Giang, Trà Vinh cũng thường lui tới quán này thưởng thức bún "bài bản" đúng cách nấu của người Khmer. Món bún chỉ mở bán vào buổi sáng đến tầm 10 giờ trưa, chiều chỉ bán khô.

Anh Ngô Văn Khoa cùng vợ là chị Mai cùng tiếp quản quán bún nổi tiếng do mẹ là bà Tư Xê để lại. Có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt, vợ chồng anh được truyền lại cách nấu và "bí quyết" gia truyền riêng, đem hương vị món bún hoàn toàn mang đậm bản sắc Campuchia.

Thành phần chính của bún num bo chóc là mắm bò hóc và ngải bún (một loại củ có hình dáng và màu sắc như củ nghệ). "Mình chưa từng ăn qua loại bún nào mà trong đó có đậu que như thế này cả, ăn là lạ. Người miền Nam hay ăn kèm bún nước với rau sống, mà rau ở đây thường là bông điên điển, bông súng, ngon ngọt vô cùng", bạn Ngọc Nga, ngụ ở quận 3, thường hay ghé ăn bún mỗi sáng chủ nhật, tấm tắc chia sẻ.

Mắm bò hóc là một loại mắm truyền thống của người Khmer, được chế biến bằng cách lên men cá nước ngọt, ướp gia vị và "nén" trong hũ sành một vài tháng. Ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ có biên giới gần Campuchia chịu ảnh hưởng từ văn hóa nước bạn thì mắm bò hóc là thức ăn chỉ dành chiêu đãi cho khách quý.

Lạp xưởng Campuchia chính gốc (bên phải) và Lạp xưởng làm nhái bên trái.
Dãy hũ lớn đựng mắm bò hóc, một thau ngải bún và trái chúc (một loại quả đặc trưng của vùng Bảy Núi, An Giang, vị như trái chanh) luôn được nhập về mỗi ngày để bán. Chị Mai cho biết, tất cả các nguyên liệu làm bún đều được người nhà sang tận Campuchia lấy hàng về.

Tuy một số loại hàng có thể đặt gửi lên từ miền Tây nhưng anh Khoa cho biết: "Có khác biệt giữa những nguyên liệu này so với những thứ sẵn có ở Việt Nam. Ví dụ như cá làm mắm phải là cá đánh bắt ở Biển Hồ. Trái chúc cũng vậy, ở An Giang tuy có nhưng không đều mùa, và giá thành lại đắt hơn nhiều so với hàng đại trà ở Campuchia".

Hầu như tất cả tiểu thương bán hàng Campuchia ở chợ đều lấy hàng trực tiếp từ nước này. Cô Huôi thật thà cho biết, các chuyến xe hàng đi đi về về giữa Việt Nam-Campuchia chạy thường xuyên, "cứ 3-4 ngày lại nhập hàng về một lần". "Họ là mối quen bỏ cho mình từ mấy chục năm nay, dù khoảng cách có xa nhưng bù lại được lấy những thực phẩm mà chỉ ở Campuchia mới có".

Tay chỉ vào đĩa thốt nốt đầy vun trong tủ chè, cô Huôi hào hứng: "Con có thấy thốt nốt cô lấy từ bên kia về màu trong, trắng đều và luôn to gấp đôi so với thốt nốt dưới An Giang không?". Góc sạp nhỏ bày biện đủ món chè trứng, chè hột me, chuối nướng, chè bí chưng "num-à-pơi" của hai mẹ con cô Huôi lâu nay nổi danh là quán chè Campuchia duy nhất và ngon nhất ở Sài Gòn.

Cả chợ có trên dưới 10 sạp khô. Ngoài hàng trăm loại khô, người đến chợ còn có thể tìm được xà-rông, trang phục truyền thống đặc trưng của người Campuchia, bia Angkor, lạp xưởng, lá sầu đâu, mì gói Campuchia,...

Chị Hà hai tay giơ hai gói lạp xưởng, một gói màu sậm in rặt chữ Khmer, một gói màu nhạt hơn in song ngữ Việt-Khmer, ghé tai khách nói: "Loại có tiếng Việt là bên này làm nhái giá 70.000 đồng, rẻ hơn 30.000 đồng so với lạp xưởng bên kia làm. Chất lượng lạp xưởng Campuchia thì có tiếng từ lâu, thành ra cứ dịp Tết đến là nhiều khách quen cứ tìm đến mua đúng 'lạp xưởng Miên' mà thôi".

Thấy khách hàng xem thử một gói khô gồm những con cá nhỏ xíu bằng ngón tay út xếp lớp trong bao, chồng chị Mai nhiệt tình: "Cá trèn bầu, ngọt ngay luôn, bỏ xương ăn ngon. Cá trèn bầu bên mình thường to, còn ở bên ấy đem về con nhỏ nhỏ, sậm đen như vầy mà vị lại ngọt hơn".

Chị Tư đứng sạp kế bên, tay loay hoay tưới ướt mớ lá sầu đâu, tận tình chỉ khách cách làm gỏi với loại lá này: "Dân miền Tây gốc Khmer chuộng món gỏi sầu đâu này lắm. Nhiều người mới ăn lần đầu nhăn mặt vì khó ăn, đắng chát, nhưng người biết trộn sẽ chọn lá non và bông sầu đâu vị sẽ bớt đắng. Xé nhỏ lá, trộn với chút khô cá sặc hoặc cá lóc xé nhuyễn, thêm vào vài lát thịt ba rọi, lát dưa leo với chút ớt chấm với nước mắm tỏi ớt là "bài bản" luôn".

Chỉ khoảng 7.000 đồng đổ lại một bó, lá sầu đâu là một trong những món tươi luôn đắt hàng ở chợ.

Dân miền Tây gốc Khmer chuộng món gỏi sầu đâu.
Nối tiếp mưu sinh

Tiểu thương gốc Campuchia ở chợ sống, làm ăn xen kẽ hòa đồng với người Việt. Họ buôn bán tuy không nói nhiều nhưng chịu khó, thật thà, người trong cùng con xóm rất biết cách cưu mang nhau.

Người Campuchia ở "chợ Miên", như cách gọi bình dân của một số người, buôn bán theo hình thức gia đình quần tụ, cha truyền con nối để truyền thống bản quán không bị mai một. Không khó bắt gặp hình ảnh trước mỗi quầy hàng luôn có người của hai, hoặc đến thế hệ thứ ba thay phiên nhau đón khách.

Chị Hà chua chát nói, khi xưa sang đây người ta đồn là người Campuchia đem theo nhiều vàng lắm, nhưng, "lúc loạn lạc, còn nghèo, cái ăn còn khó thì lấy đâu ra nhiều tài sản để mang theo. Nếu có nhiều vàng thì bây giờ đâu phải vật lộn với hàng quán rong như thế này để sinh sống".

Mỗi ngày nếu thuận lợi, quán chè của mẹ con cô Huôi bán được hơn 100 chén chè, "bù qua sớt lại thì cũng đủ sống", chị Hà nói. "Ví dụ như với một chén chè hột me làm công phu, tốn thời gian xào nấu các kiểu bán chỉ 10.000 đồng một chén thì mặt bằng chung các món khác cũng vậy, công sức và nguyên liệu bỏ ra rất nhiều nhưng nhiều khi bán buôn cũng chỉ lại vốn".

Không chỉ người gốc Campuchia sinh sống và buôn bán, ở đây cũng là nơi tụ họp của cộng đồng người Campuchia đang sinh sống khắp Sài Gòn mỗi khi nhớ món quê. Chị Ngọc, chủ một sạp khô cho biết, sở dĩ món nghề được cha mẹ truyền lại còn trụ vững đến ngày nay cũng do cộng đồng người Campuchia sinh sống ở Việt Nam mua bán ủng hộ nhau. "Khách du lịch nghe tiếng tăm đến đây cũng đông, có những Việt kiều Campuchia về thăm nhà cũng thường xuyên đến ủng hộ", chị nói.

"Không có cạnh tranh hay nói thách với khách", bà Hai, người đã có thời gian trên mười năm hay lui tới ở chợ Campuchia, chia sẻ. "Cứ cách vài ba bữa mà không đi bộ lên đây ăn bún num-bo-chóc chắc sẽ nhớ lắm", bà cười.

Theo Cảnh sát toàn cầu

Các tin cũ hơn