Chương trình này cũng đã giúp các doanh nghiệp tham gia an tâm đầu tư về con giống, công nghệ và trang thiết bị hiện đại cho quá trình sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tạo nguồn hàng dồi dào, giá cả phù hợp, tham gia bình ổn thị trường… tích cực góp phần chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn TP.
Năm 2011, TPHCM triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường là: Bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu và chương trình bình ổn thị trường mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và sữa bột dành cho người cao tuổi trên địa bàn. Hiện đã có 37 doanh nghiệp tham gia thuộc các thành phần kinh tế. Đây là những doanh nghiệp chủ lực, đang kinh doanh mặt hàng chiếm thị phần lớn, có mạng lưới ít nhất là 12 điểm bán và có kế hoạch phát triển mạng lưới.
TPHCM hiện đang tiếp tục tập trung mở rộng kênh phân phối tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Các trung tâm thương mại, siêu thị đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hướng tới người tiêu dùng. Đến thời điểm này, toàn TP đã có 3.773 điểm bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Hàng hóa tại các điểm này đều đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán đúng theo giá đăng ký được phê duyệt, thấp hơn thị trường ít nhất 10%. (Theo SGGP)
Để góp phần phát huy hiệu quả của chương trình và tạo điều kiện để người lao động nghèo, nhân dân vùng ngoại thành được thụ hưởng chính sách bình ổn giá, mới đây TP đã đưa vào sử dụng 5 điểm bán hàng bình ổn tại huyện Cần Giờ. Mặt khác, TP cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam”… Chính nhờ tích cực thực hiện chương trình này, mặc dù TP có mật độ dân cư và nhu cầu tiêu dùng lớn nhất nước, nhưng chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm trên địa bàn vẫn tăng thấp hơn 3,54% so với mức tăng bình quân chung của cả nước (+13,35% so với +16,89%).
Lê Trung