Mô hình dự án nhà ở xã hội ở TP.HCM
Một trong những kiến nghị là thành phố cần hình thành các tổ chức quản lý nhà nước đủ năng lực thực thi công tác quản lý và phát triển thị trường bất động sản hiệu quả gồm trung tâm nghiên cứu và dự báo thị trường bất động sản, tổng công ty xây dựng nhà ở xã hội, quỹ tài chính ngân sách; có cơ chế chính sách cụ thể để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội; hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm hỗ trợ người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế.
TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể để hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ tín thác đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở; chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; quản lý, kiểm tra việc bán hàng qua sàn giao dịch bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kiểm soát chặt chẽ tiến độ đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở và hạ tầng kỹ thuật đô thị; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý đô thị trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý quá trình khai thác sử dụng công trình…
UBND TP.HCM cũng đề xuất phấn đấu đến năm 2020 thị trường bất động sản Việt Nam cần đạt mức độ minh bạch, cơ chế chính sách ổn định, đồng bộ, đầy đủ; hình thành pháp lý cho hàng hóa bất động sản thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và công trình; tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đơn giản, công khai, minh bạch và thống nhất.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế cụ thể để nhiều thành phần tổ chức kinh tế có thể tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, đối tượng chính sách, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài vào thị trường này; xây dựng chính sách thuế nhà đất, bổ sung thuế sở hữu nhà ở; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản để đánh giá và dự báo tình hình phát triển thị trường.
(Theo TTXVN)
Lê Trung