Garmex Sài Gòn mở hướng đi mới

Thứ ba, 02/08/2011, 00:00
Công ty may Garmex Sài Gòn vừa ký được hợp đồng trị giá 100 tỉ đồng, từ nay đến tháng 12.2011 sẽ sản xuất các loại áo sơmi, áo khoác, quần short, quần jeans… cho nhãn hiệu thời trang nội địa Blue Exchance. Trong khi đó, Garmex từng có thương hiệu Saga trên thị trường nội địa. Điều gì đang xảy ra?

Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty may Garmex Sài Gòn cho biết, Garmex Sài Gòn tham gia vào thị trường may mặc nội địa với cách đi mới: chấp nhận là nhà sản xuất, khác với chuyện phải có thương hiệu, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ riêng…

Cơ hội thị trường nào?

Trước năm 2004, Garmex từng có thương hiệu Saga cho thị trường thời trang nội địa, và mở mạng lưới cửa hàng bán lẻ từ TP.HCM cho đến tận Nha Trang.

Ông Hùng, lúc đó là tổng giám đốc công ty Garmex nói: “Nếu chỉ dựa trên doanh thu, mẫu mã, mạng lưới cửa hàng… Saga có vẻ thành công. Nhưng điều công ty không công bố, là lượng hàng tồn kho, tỷ lệ lãi trên vốn đầu tư, và lợi nhuận”. Thực tế Saga lỗ. Và ông Hùng cũng nhìn ra nhiều công ty khác dù có thế mạnh xuất khẩu, nhưng tham gia nội địa hầu hết không đạt mức lãi tốt vì thiếu kinh nghiệm bán lẻ, thiếu đội ngũ kinh doanh và điều hành phân phối, thiếu vốn lẫn kinh nghiệm xây dựng thương hiệu…

Sau năm 2004 Saga thu hẹp dần mạng lưới và đóng cửa. Công ty may Garmex trải qua nhiều thay đổi. Ông Hùng gọi đó là giai đoạn đấu tranh nội bộ từ nhận thức đến phương thức quản lý.

Hiện tại, tham gia thị trường nội địa hay xuất khẩu với công ty Garmex không quan trọng, mà yếu tố then chốt để quyết định là có lãi hay không. Điều mà đội ngũ kinh doanh Garmex thấy được, là họ đang xuất khẩu với mức lợi nhuận dưới 10%, thậm chí có đơn hàng chỉ 3 – 5%. Trên thị trường nội địa nếu may hàng với mức lãi này, họ sẽ có lợi thế mà ít doanh nghiệp may nào cạnh tranh được là: giá thấp, chất lượng tốt, khả năng cung ứng linh hoạt từ số lượng vài trăm chiếc đến hàng trăm ngàn chiếc trong thời gian ngắn.

Blue Exchance là nhà kinh doanh thời trang có sẵn mạng lưới 140 cửa hàng trên toàn quốc, đang tìm kiếm nhà sản xuất đảm bảo chất lượng, có khả năng cung cấp hàng may mặc mà không cần họ phải ứng vốn đầu tư hoặc mua nguyên liệu. Garmex cần nơi mua hàng theo “kiểu FOB” (tức là bên mua gợi ý loại sản phẩm cần, phía Garmex thiết kế mẫu, tự chọn nguyên phụ liệu, may và bán). Đôi bên cùng có lợi.

Theo Garmex, đến năm 2015 Asean trở thành thị trường chung, thuế suất bằng 0. Hàng của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan… dễ dàng vào Việt Nam, ngược lại những nhãn hiệu thời trang Việt Nam như Blue Exchance hay nhãn hiệu khác cũng có thể phát triển ra toàn khu vực. Việc trở thành nhà sản xuất uy tín và chuyên nghiệp sẽ mang lại cho Garmex cơ hội bán hàng.

Lùi để tiến?

Ông Hùng phân tích: bài học về rủi ro kinh doanh nội địa do tồn kho quá lớn và thiếu thị trường tiêu thụ ổn định đã cho công ty kinh nghiệm phải dựa trên năng lực lõi mà phát triển.

Garmex vốn giỏi nghề may. Mà trên thế giới, những thương hiệu lớn, những tập đoàn kinh doanh hàng may mặc toàn cầu đều cần đến những nhà sản xuất chuyên nghiệp. Garmex đã làm được điều này với những khách hàng châu Âu. Vì thế việc chứng minh khả năng sản xuất với các thương hiệu thời trang nội địa không quá khó.

Sau hợp đồng trên, ba giai đoạn phát triển hàng may trên thị trường nội địa vừa được Garmex vạch ra. Theo đó bước đầu tiên sẽ là sản xuất hàng mang nhãn của bên mua, trên sản phẩm chỉ ghi sản xuất tại GMC (Garmex Company). Bước kế tiếp là tự phát triển mẫu, chào hàng cho khách, sản phẩm mang nhãn của công ty Garmex. Và bước thứ ba là trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp, có những mẫu thiết kế riêng để tung ra bán qua các hệ thống phân phối bán lẻ từ cửa hàng đến siêu thị, trung tâm thương mại… Hai khâu quan trọng mà Garmex đang đầu tư mạnh là thành lập đội ngũ phát triển thiết kế và nguyên phụ liệu.

Liệu Garmex có thành công? Câu trả lời còn ở phía trước.

(Theo SGTT)

Lê Trung

Các tin cũ hơn