Nhiều doanh nghiệp khó khăn đến mức tính chuyện đóng cửa

Thứ ba, 26/07/2011, 00:00
“Sáu tháng miệt mài chỉ lãi được 5%, trong khi lạm phát nửa đầu năm đã gần 14%, xem như mình đang lỗ nặng”, bà chủ doanh nghiệp may đang có 3.300 công nhân tại TP.HCM và hệ thống gần 80 cửa hàng bán lẻ với thương hiệu được xếp vào top các thương hiệu mạnh trong ngành thời trang Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị.

Không giấu giếm ý định chuyển đổi ngành nghề, nữ chủ nhân nói trên cho biết bà định đưa hàng ngàn mét vuông đất đang làm nhà xưởng ở quận 12, Bình Chánh sang xây chung cư, chuyển trung tâm sản xuất và kinh doanh rộng hơn 2.000m2 ở trung tâm thành phố sang trung tâm thương mại.

Chịu hết xiết


Sức mua đã kém, doanh nghiệp sản xuất lại phải đối phó với hàng Trung Quốc

Bà kể: “Khó khăn chất chồng khó khăn, xoay tới xoay lui riết rồi cũng bí”. Trong tháng 7 này bà phải phụ cấp thêm cho công nhân bình quân 500.000 đồng/ tháng/người, tổng chi 1,65 tỉ đồng. Giá vàng tăng, ngân hàng xiết chặt cho vay, đến kỳ trả lương mà dòng tiền thu hồi trong kinh doanh chưa về kịp, lại phải đi vay nóng bên ngoài, chấp nhận lãi 9%/tháng. Đồng thời, hệ thống gần 80 cửa hàng thời trang nội địa của công ty cũng đang trong tình trạng lấy lãi cửa hàng này bù lỗ cho cửa hàng kia, cuối cùng là... huề vốn. Bà cho biết, chi phí thuê mặt bằng lên quá cao, những cửa hàng của bà ở trung tâm TP.HCM phải chịu mức thuê 3.000 – 5.000 USD/tháng, cửa hàng ở Vincom quận 1 thuê gần 10.000 USD/tháng, dù không lãi cũng phải giữ vì đó là nơi thể hiện đẳng cấp. Từ mức lãi 15 – 20% của năm 2009, 2010, đến nay lợi nhuận của công ty chỉ còn 5%, thấp hơn cả gửi ngân hàng, gia đình bà mới tính đến việc thu hẹp sản xuất và đổi nghề.

Chán, mệt mỏi, từ đầu tháng 7 đến nay bà Hồng, một chủ doanh nghiệp có ba công ty kinh doanh vải sợi, phụ liệu may mặc ở khu vực Soái Kình Lâm, quận 6 gần như chẳng thèm ngó đến sổ sách, mái tóc bà trắng thêm, bà cũng chẳng màng đi nhuộm lại. Bà đang lo cả trăm tỉ đồng kẹt trong hàng tồn kho, chưa bán được vì giá sợi đang giảm đến 40% so với đầu năm, khiến giá vải giảm theo. Những người lỡ bỏ vốn ôm hàng khi giá trên đà tăng vùn vụt vào quý 1 như bà, nay chấp nhận bán dưới giá đầu vào nhưng cũng chẳng ai mua. “Nhìn giá hàng cứ rớt xuống mà giá vàng lại tăng lên khiến số vốn mang ra làm ăn trước đây từ 500 cây vàng nay chỉ còn tương đương 300 cây mà đau hết cả người”, bà Hồng than thở.

Mạng lưới phân phối và phát triển kinh doanh của một số công ty Việt Nam đang bị thu hẹp, hoặc thay đổi. Công ty giày Asia đã đóng cửa cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên đường 3.2 và Asia không còn showroom nào trên địa bàn TP.HCM. Cửa hàng trung tâm thuộc công ty Biti’s tại TP.HCM chỉ còn hơn mười điểm bán. Công ty thời trang Foci chuyển sang mở trường học…. Nhà phân phối giày Asia cho biết, chi phí duy trì showroom quá cao – lên đến vài chục triệu đồng/tháng, trong khi hiệu quả kinh doanh thấp, chịu không nổi.

Lại lo nửa cuối năm

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, tình hình chung của ngành là lợi nhuận sẽ không thể tăng trong thời gian tới. Vậy nên các doanh nghiệp hiện nay đa phần chỉ làm theo những hợp đồng đã ký, không mặn mà tìm kiếm hợp đồng mới cho các tháng cuối năm.

Với nhiều doanh nghiệp, giá vàng biến động thời gian gần đây làm tăng thêm nỗi lo mặt bằng giá mới có thể được thiết lập, việc kinh doanh sẽ ngày càng khó hơn. Ông Trung, chủ cơ sở sản xuất hàng may mặc tại quận Tân Bình đã nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng, vì bù lỗ cho sản xuất kém hiệu quả. Ông theo dõi giá vàng tăng từng ngày mà lo chi phí sản xuất và đời sống sẽ tăng theo. Ông nói: “Tôi đã chú ý từ ba năm gần đây, cứ sau mỗi đợt giá vàng tăng là giá nguyên liệu như dầu thô, hạt nhựa, hoá chất, lương thực… lần lượt lên theo”.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng may mặc ông Trung làm ra bán cho các chợ, siêu thị đang giảm 20 – 40% tuỳ loại. Tiền lãi thu được trong sáu tháng đầu năm chỉ hơn 20 triệu đồng, tính ra vợ chồng ông Trung đang làm không công. Cơ sở sản xuất của ông Trung đã thu hẹp từ 16 công nhân xuống còn 12, và ông Trung đã tính đến bước: “Nếu chi phí sản xuất tăng lên nữa, tôi sẽ đóng cửa”.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết sáu tháng đầu năm 2011, bộ Công thương cũng đã dự báo trong các tháng tới nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, lạm phát có thể giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhập siêu cao, tăng trưởng thấp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập, trong khi lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

12/19 công ty chứng khoán thua lỗ

Trong số 19 công ty chứng khoán vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2, có đến 12 công ty chứng khoán thua lỗ với con số tổng là 753,7 tỉ đồng. Trong đó, công ty chứng khoán SHS dẫn đầu mức thua lỗ trong quý 2 với gần 334 tỉ đồng. Theo các chuyên viên phân tích thì nguyên nhân thua lỗ chủ yếu vẫn là do các công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, trong khi nguồn thu từ các mảng dịch vụ chứng khoán đều sụt giảm. Cũng trong quý 2, công ty chứng khoán có lãi cao nhất là KLS với 55,5 tỉ đồng nhưng nguồn lãi này có được là do công ty có gần 1.800 tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, trong khi các mảng doanh thu dịch vụ chứng khoán và đầu tư chỉ chiếm khoảng 10% nguồn thu.

Sáu tháng đầu năm 2011, trong 19 công ty chứng khoán này có 13 công ty lỗ luỹ kế với con số tổng là 1.055 tỉ đồng.

(Theo SGTT)

Lê Trung

Các tin cũ hơn