Sẽ cấm lưu thông sản phẩm không tiết kiệm năng lượng

Thứ ba, 19/07/2011, 00:00
Theo dự thảo Quy định lộ trình dán nhãn năng lượng do Bộ Công thương soạn thảo đang trình Chính phủ, từ năm 2013, tất cả các sản phẩm điện gia dụng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Từ năm 2015, các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông trên thị trường.


Các thiết bị gia dụng không dán nhãn năng lượng sẽ bị cấm nhập khẩu, lưu thông

Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn đang bị đánh lừa bởi các quảng cáo lập lờ về hiệu suất tiết kiệm năng lượng của rất nhiều nhãn hàng điện tử, máy móc. Theo đánh giá, việc dán nhãn năng lượng - chứng nhận kiểm định từ cơ quan chức năng có thẩm quyền - sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Trong năm 2011, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng sẽ dán nhãn năng lượng cho các loại sản phẩm gia dụng tiêu thụ năng lượng phổ biến: tủ lạnh, tủ kết đông lạnh, điều hòa không khí, nồi cơm điện và máy giặt gia dụng.

Tại buổi họp báo mới đây công bố bốn mặt hàng được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Phó Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng cho rằng, hiện tại, việc dán nhãn năng lượng mới dừng ở mức khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, dán nhãn năng lượng sẽ là “tấm thẻ xanh” cho các sản phẩm được gia nhập thị trường. Lộ trình dán nhãn năng lượng đang được xây dựng theo hướng bắt buộc đối với một số phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng. Bắt đầu từ những sản phẩm dân dụng như chiếu sáng, quạt điện, điều hòa không khí, tủ lạnh, động cơ điện, sau đó sẽ là các sản phẩm khác. Theo ông Kim, việc dán nhãn không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn khi mua các thiết bị gia dụng, mà còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp. Đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao.

Bộ Công thương sẽ đánh giá và dán nhãn năng lượng cho tất cả các loại sản phẩm tiêu thụ năng lượng được tiêu thụ trên thị trường trong giai đoạn (2011 - 2015) dựa trên tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng (Meps). Theo nội dung dự thảo, lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng được áp dụng đối với 5 nhóm sản phẩm. Nhóm các sản phẩm gia dụng sẽ hoàn thành dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1.7.2011 và bắt buộc dán nhãn năng lượng sau ngày 1.1.2013. Đáng chú ý, theo ông Kim, đối với nhóm sản phẩm này nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng thì sẽ cấm nhập khẩu, sản xuất và phân phối trên thị trường kể từ năm 2014.

Ngoài ra, nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, hoàn thành dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1.1.2014 và bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1.1.2015. Nhóm thiết bị công nghiệp, hoàn thành dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1.1.2012 và bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1.1.2013. Nhóm phương tiện giao thông vận tải sẽ dán nhãn tự nguyện đến năm 2015, sau đó dán nhãn bắt buộc. Muộn hơn, sản phẩm vật liệu tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng tự nguyện và tiến tới bắt buộc dán nhãn năng lượng từ sau ngày 1.1.2015.

Đặc biệt, theo Bộ Công thương, chuẩn bị cho lộ trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Nhà nước sẽ có quy định đối với mua sắm công bắt buộc phải sử dụng những thiết bị, sản phẩm đã thực hiện dán nhãn. Doanh nghiệp có sản phẩm  tiết kiệm năng lượng sẽ được ưu đãi vay vốn đầu tư tại ngân hàng.

(Theo Thanh Niên)

Lê Trung

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích