Đó là một trong những tác động của một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, tại phương án được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề xuất này được đưa ra với nhận định hiện nay nền kinh tế còn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Như, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại, thấp hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất cao, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thị trường chứng khoán sụt giảm, đời sống người lao động gặp khó khăn.
“Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống người lao động, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về miễn, giảm thuế”, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Với mục tiêu này, Chính phủ không chỉ đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp mà còn đề xuất miễn thuế cho nhiều cá nhân. Đồng thời cũng đánh giá tác động cụ thể của từng giải pháp, nhất là tác động đến thu ngân sách.
Theo đó, việc giảm 50% mức thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ cho công nhân, học sinh sinh viên thuê; hộ cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ cá nhân, doanh nghiệp cung cấp suất ăn ca là số thuế đầu vào mà các doanh nghiệp mua suất ăn được khấu trừ cho nên “nói chung sẽ không ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách”.
Trong số 303.200 doanh nghiệp thuộc diện được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011, có khoảng 236.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 66.700 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Đây là những doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tại quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại quyết định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa được gia hạn là các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn hoặc lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trừ: các doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc các tập đoàn kinh tế; doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu của công ty con.
Việc gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và đăng ký nộp thuế theo kê khai.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không được gia hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số kiến thiết, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thu nhập từ kinh doanh các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Số tiền giảm thu ngân sách từ giải pháp này khoảng 3.700 tỷ đồng.
Với đề xuất miễn 5% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ cổ tức của nhà đầu tư chứng khoán, Chính phủ ước tính sẽ giảm khoảng 800 – 900 tỷ đồng thu ngân sách.
Còn miễn thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân dự kiến giảm khoảng 360 tỷ đồng.
Khoảng 630 tỷ đồng là dự kiến số thu ngân sách giảm từ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tổng hợp chung, Chính phủ cho biết, tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỷ đồng (sẽ thu vào năm 2012). Tổng số thuế miễn giảm năm 2011 khoảng 4.200 tỷ đồng và của năm 2012 khoảng 2.200 tỷ đồng.
Phương án miễn, giảm thuế của Chính phủ cũng đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra.
Ngay từ khi Chính phủ đang xây dựng phương án này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban đã cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, việc giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân chịu thuế cũng là một giải pháp cần được xem xét.
Tuy nhiên, việc đưa nhiều mục tiêu an sinh xã hội vào chính sách thuế sẽ làm giảm đi tính trung lập của thuế, phá vỡ những mục tiêu mang tính dài hạn của thuế. Bên cạnh đó, tính khả thi và điều kiện hành thu nếu không được tính toán kỹ cũng sẽ dẫn đến những khó khăn lúng túng trong quá trình thực hiện.
Rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2008 và 2009 để đưa ra các chính sách mới hợp lý hơn cũng được cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ khi đề xuất miễn, giảm thuế.
Bên cạnh đó Ủy ban này còn đề nghị Chính phủ cần tính tới hiệu quả lan tỏa và mức độ ảnh hưởng đến đời sống xã hội so với những ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
Cũng liên quan đến việc miễn giảm thuế, tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2009, mặc dù Chính phủ kiên trì bảo lưu đề nghị miễn thuế cho một số đối tượng đến hết năm 2009 và hết 2010, song nhiều đại biểu không nhất trí.
Lý do, theo nhiều đại biểu thì trong thời buổi suy thoái kinh tế, có thu nhập cao đến mức được đóng thuế thu nhập đã là "hạnh phúc". Một số đại biểu cho rằng không nên cào bằng trong việc miễn giảm thuế và việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân mang tính trợ cấp cho người có thu nhập cao.
(Theo Vneconomy)
Lê Trung