Ngân hàng lãi cao, doanh nghiệp khó khăn

Thứ tư, 13/07/2011, 00:00
Hôm qua 12-7, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Viện Kinh tế tài chính (thuộc Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả sáu tháng đầu năm và dự báo sáu tháng cuối năm”. Tại cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia cảnh báo lạm phát cuối năm có thể tăng cao trở lại.


Dây chuyền máy xoắn dây cáp điện của Công ty Thịnh Phát, một trong những doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất cao

Theo ông Nguyễn Duy Thiện - trưởng phòng tổng hợp, phân tích, dự báo Cục Quản lý giá, sau hai tháng giảm tốc, đầu tháng 7-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng mạnh trở lại nên Thủ tướng đã phải ra công điện yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả.

Các ngân hàng có tham gia chống lạm phát không?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đưa ra con số rất quan trọng, cập nhật tới ngày 20-6-2011 về kết quả chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,45% trong khi mục tiêu năm 2011 Chính phủ cho phép tăng 15-16%. Tăng trưởng tín dụng đã được kiềm chế mạnh, mới tăng 7,13% trong khi mức cho phép dưới 20%.

Theo ông Bảo, cơ cấu tín dụng đã khá lành mạnh, đến cuối tháng 5-2011 vốn cho khu vực sản xuất tăng gần 11%, khu vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu tăng 25% trong khi cho vay khu vực phi sản xuất giảm gần 9,5% và vốn cho khu vực này chỉ còn chiếm khoảng 17% tổng cho vay.

Đánh giá cao các biện pháp điều hành của Chính phủ vừa qua nhưng ông Nguyễn Văn Phụng, vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), thẳng thắn chỉ ra một nguyên nhân quan trọng không kém khiến lạm phát tăng mà lâu nay ít được nói tới chính là hoạt động của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đang làm ngược khi áp đặt trần lãi suất huy động 14%/năm nhưng lại thả nổi lãi suất cho vay khiến doanh nghiệp phải vay đến 22-25%/năm. Ta đang làm ngược khiến ngân hàng cứ phải lách. Với mức lãi như thế, thường chỉ nhà đầu cơ, dự án quá cần vốn mới dám vay. Tự nhiên các ngân hàng bị tăng rủi ro nợ khó đòi, đa số doanh nghiệp sản xuất lợi nhuận thấp thì khó có vốn

TS Nguyễn Minh Phong 
(Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội)

Theo ông Phụng, bất hợp lý rất lớn hiện nay là trong khi các doanh nghiệp khó khăn thì các ngân hàng lãi rất cao, thực tế “lợi nhuận phân phối cho các ngân hàng đã lấy hết của nền kinh tế rồi”.

Các ngân hàng nói lãi nhờ doanh thu dịch vụ tăng, nhưng ông Phụng cho rằng đã có sự lập lờ vì rất nhiều phí dịch vụ như “phí quản lý dư nợ vay”, bản chất chính là lãi suất trá hình, đang được các ngân hàng áp đặt thu. “Đây là điều phi lý. Lãi suất là giá cả, thuộc phạm vi điều hành giá. Ta đang thả nổi ngân hàng ở chỗ này”.

Cho rằng các ngân hàng đang thực hiện kiểu “lãi suất thì thầm”, tức danh nghĩa huy động 14%/năm nhưng ai đến gửi cũng được “thì thầm” cho mức 17-19%/năm, ông Nguyễn Văn Phụng lo ngại “lãi suất cứ như hiện nay, nền kinh tế không thể tồn tại được vì khó doanh nghiệp nào sống tốt với lãi suất cho vay trên 20%/năm của các ngân hàng”.

Ông Phụng đề nghị các nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng đặt câu hỏi nghiêm túc: ngân hàng có thực hiện chủ trương của Chính phủ chống lạm phát không.

Ông Nguyễn Lộc An, vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nêu thực tế nhiều mặt hàng đã rơi vào tình trạng dư cung, tồn kho lớn nhưng do đầu vào, đặc biệt là lãi suất cao, nên không thể giảm giá được và giá không giảm thì hàng càng khó bán.

Trung Quốc mua vét hàng, đẩy giá tăng

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nêu một trong những nguyên nhân lạm phát cần để ý là tình trạng thao túng giá của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Từ thực tế điều hành siêu thị, ông Phú cho biết người tiêu dùng thời gian qua đã bị móc túi rất nhiều, như gần đây các nhà máy thừa đường, giá bán ra chỉ 16.000 đồng/kg, nhưng siêu thị bán đến 28.000 đồng/kg, nghĩa là người tiêu dùng bị móc túi tới 10.000 đồng/kg. Hay dầu ăn, các siêu thị lên trực tiếp nhà máy để mua nhưng họ gạt ra, yêu cầu phải mua qua đại lý vì họ đã thỏa thuận với nhau như thế để tăng tối đa lợi nhuận.

“Hệ thống phân phối qua nhiều tầng nấc đã góp phần làm tăng giá - ông Phú nói và khẳng định - Đây là thao túng giá. Các siêu thị, đơn vị bán lẻ hiện không thể tiếp cận được. Không chỉ đường, dầu ăn mà sắt thép, ximăng... cũng thế, chính quyền không kiểm soát được”.

Ông Nguyễn Văn Phụng cảnh báo thêm một nguy cơ lạm phát nguy hiểm khác là việc tư thương Trung Quốc mua vét nông sản, hải sản, thực phẩm, đẩy giá tăng.

Ông Vũ Vinh Phú khẳng định thêm tác động từ việc mua vét nông sản của tư thương Trung Quốc có thể gây tai họa. “Họ mới mua hơn 1 triệu quả trứng gà, rồi nhiều mặt hàng nông sản khác, khiến mặt hàng được hỗ trợ bình ổn cũng vừa phải tăng giá đến ba lần. Cần phải kiểm soát để ổn định thị trường” - ông Phú nói.

Phải kiểm soát được khâu phân phối

Theo ông Nguyễn Lộc An, hiện Bộ Công thương đang tích cực triển khai các biện pháp cân đối cung cầu để ngăn chặn tăng giá. Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm sẽ còn nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá, đặc biệt ông An cho biết có khả năng giá điện được điều chỉnh tăng để bù đắp chi phí. Cùng thực tế lãi suất đang ở mức cao, chu kỳ tăng giá cuối năm... khiến áp lực tăng giá không nhỏ.

Để góp phần giảm lạm phát, ông Vũ Vinh Phú đề nghị phải kiểm soát cho được khâu lưu thông đang yếu kém và có vấn đề về thao túng giá. Nêu thực tế 1kg cà chua mua tại Quỳnh Phụ (Thái Bình) nông dân đang bị ép giá với 500 đồng/kg, chỉ cần chở 150km lên Hà Nội giá đã gấp 16 lần: khoảng 8.000 đồng/kg.

Cá trích Thanh Hóa giá chỉ 8.000 đồng/kg, về Hà Nội 30.000 đồng/kg. Vì vậy ông Phú đề nghị tạo lập hệ thống phân phối chuyên nghiệp, công khai, đầu tư hệ thống kho lạnh để giúp nông dân bán tận ngọn, không bị ép giá và người tiêu dùng được mua tận gốc, không bị móc túi.

Hiện một số nhà máy cố tình giấu thông tin, khép kín khâu phân phối để giữ giá. Theo ông Phú: “Họ nói tôi thích bán cho ai thì bán”. Trong khi Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với giá của mình.

Ông Phú kiến nghị các cơ quan nhà nước cần vào cuộc, tránh để khâu phân phối, thu mua hoàn toàn do tư thương và doanh nghiệp liên kết chi phối, chia cắt. Ngoài ra, cần xem xét nghiêm túc để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông và cả một số tiêu cực phí, mãi lộ trên đường đang khiến giá bị đẩy lên.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Lê Trung

Các tin cũ hơn