Lãi suất tín dụng tăng cao, giá vật tư biến động mạnh, thị trường tiêu thụ hạn hẹp… là những lý do phổ biến khiến hàng ngàn doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng khó khăn.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% trong tổng số hơn 22.000 thành viên của hiệp hội có khả năng trụ vững và phát triển, 30% đang rất chật vật và 40% còn lại đang án binh bất động, có thể rơi vào phá sản. Sở dĩ chưa có nhiều DN tuyên bố phá sản vì thủ tục phức tạp và lo sau này gặp trục trặc nếu thành lập DN trở lại.
Doanh nghiệp nhiều nơi gặp khó
Trong 6 tháng đầu năm nay, tình trạng DN giải thể, chờ phá sản đã diễn ra tại hầu hết các tỉnh, thành. TP Cần Thơ: 58 DN tuyên bố giải thể; đa số hoạt động trong lĩnh vực chế biến, thi công, xây dựng… TP Đà Nẵng: 87 DN làm thủ tục xin giải thể với tổng số vốn đầu tư 162 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Trị: 18 DN đã xin đăng ký giải thể; dự báo thời gian tới có thêm nhiều DN xin đăng ký giải thể. Tỉnh Quảng Nam: 16 DN tuyên bố giải thể, do cạnh tranh kém, thua lỗ. Riêng tại TPHCM, hiện chưa có thống kê cụ thể. Theo cơ quan chức năng, nhiều DN mới thành lập trong 5 năm trở lại đây đang hoạt động cầm chừng. Sở Công Thương TPHCM cho biết nhiều DN chỉ nhận các đơn hàng có khả năng sinh lời cao, đủ bù đắp chi phí; một số DN tạm đình, hoãn, dãn tiến độ thực hiện dự án... Chẳng hạn, Công ty Cơ Điện lạnh Hòa Bình, Công ty Chế tạo máy Sài Gòn, Công ty Giấy - Bao bì Phú Thịnh, Công ty Giấy Viễn Đông… đã lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị nhưng phải tạm hoãn. Không ít DN may nhỏ đã ngưng hoạt động. |
Lê Trung