Giá cả tăng cao buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, sức mua giảm mạnh
Đó là những con số được giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế VN, đưa ra tại hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của doanh nghiệp” tổ chức tại TP.HCM ngày 28-6.
Theo ông Thái, đang có nhiều thách thức, khó khăn chờ doanh nghiệp từ đây đến cuối năm và doanh nghiệp cần linh động để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng nhanh và liên tục cũng làm giảm lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.
Tình trạng mất cân đối vĩ mô nền kinh tế đã tích tụ lâu ngày, ngân sách huy động của VN cao nhất Đông Nam Á nhưng vẫn bội chi lớn trên 5%. Chưa kể nền sản xuất còn bị phụ thuộc nhập khẩu, thiếu công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu thô, sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, năng suất lao động thấp… khiến doanh nghiệp càng khó khăn.
Theo PGS.TS Lê Xuân Bá - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nghị quyết 11/NQ-CP đã đưa ra các gói giải pháp toàn diện và đã có tác dụng tích cực đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Bá cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần học cách thích nghi và có những biện pháp đối phó thích hợp.
Ông Đỗ Hồng Khanh, phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp đã có những cách thức để giảm thiểu tác động của lạm phát như tiết giảm điện, tăng ca đêm, tăng hệ số quay vòng vốn, đàm phán với đối tác về phương thức hợp đồng, đa dạng hóa nguồn tài chính…
Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng về lâu dài, doanh nghiệp vẫn cần sự ổn định trong các chính sách của Nhà nước để chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
(Theo Tuổi Trẻ)
Lê Trung