Phát triển khu chế xuất

Thứ ba, 28/06/2011, 00:00
Các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đã và đang trở thành trung tâm thu hút đầu tư, đóp góp hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm cho kinh tế thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng… nên các khu chế xuất và khu công nghiệp vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.


Do thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao nên nhiều nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư vào các KCX-KCN TPHCM

Mỗi hécta làm ra 18 triệu USD kim ngạch xuất khẩu

 Ông Vũ Văn Hòa - Trưởng ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho biết: trong 20 xây dựng và phát triển, tổng vốn đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp TP đạt 7,7 tỷ USD, bao gồm vốn đầu tư của dự án sản xuất công nghiệp, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp. Kim ngạch xuất nhập khẩu của các khu chế xuất - khu công nghiệp từ khi thành lập tới nay đạt 42 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,53% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn TP.

Hàng hóa sản xuất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp đã xuất khẩu đến 45 quốc gia trên thế giới (trong đó, thị trường Nhật  42,11%; kế đến EU 16,27%; Mỹ 15,44%;  Trung Quốc 5,24%…). Đặc biệt, các dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong HEPZA cũng ăn nên làm ra. Nếu năm 1995 bình quân một dự án đầu tư là 4,1 triệu USD/dự án, sang năm 2006 tăng lên 4,96 triệu USD/dự án và đến nay là 8,32 triệu USD/dự án (gấp 1,67 lần so với năm 2006).

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ cao, nghiên cứu thiết kế con chíp, phần mềm điện toán. Nếu so với năm 2006 những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật thấp chiếm tỷ trọng cao (như dệt may chiếm 12,9%, chế biến thực phẩm chiếm 12,4%) và những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao chiếm tỷ trọng thấp (điện - điện tử chỉ chiếm 11,8%, cơ khí 9,6%), thì đến năm 2011, cơ cấu ngành nghề đầu tư có sự chuyển dịch lớn, theo hướng thu hút tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực của TP. Cụ thể, những ngành chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất trong năm 2011 là điện tử (25,47%), hóa nhựa (14,93%), cơ khí (13,12%), còn các ngành thực phẩm và dệt may khoảng 8%.  

Theo tính toán của HEPZA, qua 20 năm hoạt động, hiệu quả thu hút đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp được thể hiện trên một hécta đất. Cụ thể, 1 hécta đất  thu hút được khoảng 6,5 triệu USD vốn đầu tư, tạo ra 18 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động và nộp ngân sách 725 triệu đồng mỗi năm.  

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, TP.HCM cần hoàn thiện thêm nhiều chính sách ưu đãi cũng như luật lệ hợp lý, rõ ràng cho các nhà đầu tư.  

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ 

Bà Lê Bích Loan, Trưởng phòng hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho rằng, có 3 vấn đề lớn luôn là nỗi lo và bức xúc của nhiều nhà đầu tư hiện nay là: kết cấu hạ tầng, chất lượng điện và chính sách ưu đãi đầu tư không rõ ràng. Chẳng hạn, việc chất lượng điện không ổn định dẫn đến những thiệt hại lớn trong sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho biết, nguồn điện không ổn định, luôn bị tụt áp, dẫn đến sản phẩm làm ra không thể sử dụng được. Những thiệt hại này là rất lớn nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất.  

Theo ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam (KCX Tân Thuận), mặc dù giá nhân công tại Việt Nam tương đối phù hợp, có sức cạnh tranh song hầu hết sinh viên mới ra trường được tuyển dụng đều thiếu kỹ năng mềm, chuyên môn và ngoại ngữ kém. Đặc biệt với nguồn nhân lực cho công nghệ cao hiện nay của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của những doanh nghiệp đang hoạt động nên việc chuẩn bị đủ nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp tiềm năng sẽ đầu tư vào Việt Nam là một thách thức lớn. Đây là điều bất lợi trong việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam nói chung và vào các khu chế xuất - khu công nghiệp nói riêng.  

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Phó TGĐ Công ty CP Điện tử Tân Bình (KCN Vĩnh Lộc) cho biết, công nghiệp điện tử trong nước vẫn còn trong giai đoạn sơ khai vì ngành công nghiệp sản xuất các linh phụ kiện (supporting industries) của Việt Nam chủ yếu chỉ xoay quanh một số sản phẩm như bao bì, in ấn và một vài chi tiết nhựa. Do đó hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm điện tử lắp ráp sản xuất tại Việt Nam là rất nhỏ, ngoại trừ linh kiện bóng đèn (CRT) sản xuất bởi liên doanh Orion Hanel, nhưng sản phẩm này cũng chỉ tồn tại đến năm 2007 do thiếu đầu tư mới.  

Nguyên nhân là do hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp điện tử còn chồng chéo nhau, việc thực hiện các chính sách thuế thường khá phức tạp, các dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng còn mang tính độc quyền… Điều này khiến cho các hoạt động kiểm tra hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế trở nên phức tạp và doanh nghiệp phải đầu tư các nguồn lực tốn kém mà đúng ra có thể dùng vào các hoạt động khác.  

Không chỉ có các doanh nghiệp gặp trở ngại khi đầu tư, các đơn vị quản lý cũng đang gặp không ít thách thức trong việc xử lý các nhà máy đang hoạt động với công nghệ lạc hậu sử dụng nhiều lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp hiện nay.

Ông He Keren, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu chế xuất Linh Trung I và Linh Trung II, cho rằng, công ty ông cũng muốn các doanh nghiệp trong hai khu chế xuất chuyển cơ cấu ngành nghề hoạt động theo hướng phát triển của thành phố, nhưng việc chuyển dịch này đòi hỏi phải thực hiện lâu dài với thời gian cả chục năm. Vì vậy Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc chuyển đổi ngành nghề, đổi mới thiết bị công nghệ đầu tư hiệu quả nhằm nâng cao giá trị sản xuất và sức cạnh tranh thì doanh nghiệp mới làm được.

(Theo Congthuonghcm.vn)

Lê Trung

Các tin cũ hơn