Giá xăng dầu cao vì "làm giàu" cho đại lý

Thứ tư, 30/11/-0001, 00:00
Kết quả kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Tài chính công bố sáng 19/12 còn cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối trích hoa hồng quá cao cho các đại lý. Việc này sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ, không phản ánh thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, tại Petrolimex, sau khi rà soát chi phí kinh doanh trên cơ sở cố định theo định mức quy định tại Thông tư 234, tổng chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp (DN) cao hơn chi phí khai thác xác định theo định mức để tính giá cơ sở trên 516,1 tỷ đồng. Còn theo số liệu báo cáo của đơn vị, thì thù lao đại lý (chênh lệch giữa giá bán lẻ nhà nước quy định với giá bán cho các tổng đại lý và đại lý) trên 583,7 tỷ đồng (khoản này được giảm trừ và giá bán trên hóa đơn nên không được thể hiện trên hóa đơn, sổ sách).  

Các DN đầu mối trích hoa hồng quá cao cho các đại lý (Ảnh minh họa)

Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy, mức thù lao đại lý đối với từng mặt hàng của các công ty thành viên được điều chỉnh tùy theo từng thời điểm và địa bàn khác nhau. Có những lúc các khoản trích hoa hồng vượt quá định mức chi phí kinh doanh, điển hình như: mức chi thù lao đại lý của Công ty xăng dầu B12 từ 210 đồng - 830 đồng/lít, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9/2011.

“Với cơ chế xác định giá bán xăng dầu cho các đại lý/tổng đại lý (giá bán buôn) bằng giá bán lẻ từng thời kỳ trừ lùi một khoản thù lao cho các đại lý thì việc đẩy thù lao đại lý lên cao để chiếm giữ thị phần là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN đầu mối.

Việc nâng mức thù lao đại lý như trên tuy không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nhưng sẽ làm giảm lãi hoặc tăng lỗ, không phản ánh thực trạng tài chính của DN kinh doanh xăng dầu đầu mối”, Bộ Tài chính nhận mạnh

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (PVOil). Nhiều thời điểm số tiền trích thù lao cho đại lý, tổng đại lý tại đơn vị này rất cao, lên tới 900 đồng, vượt mức tổng chi phí cho phép được chi là 600 đồng/lít. Mức trích thù lao đại lý tại Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp trong tháng 6/2011 cũng cao vượt mức 600 đồng/lít, ở mức 867,29 đồng/lít...

Tổ kiểm tra tại Petrolimex đưa ra kết luận: “Việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về mức thù lao, giao cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thỏa thuận với đại lý tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và đại lý trên cùng một địa bàn, đẩy mức thù lao lên cao, gây khó khăn cho ngay ngay chính bản thân các doanh nghiệp đầu mối, tạo ra sự phức tạp, lộn xộn của thị trường bán lẻ xăng dầu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai, việc trích thù lao cao trong nhiều thời điểm cho thấy doanh nghiệp chưa chịu chia sẻ khó khăn cùng người dân và Nhà nước.

"Theo Thông tư 36 của Bộ Công Thương thì không còn quy định chi phí thù lao đại lý nữa, mà chi phí này là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đại lý, tổng đại lý. Nhưng theo Thông tư 234 có quy định định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở và định mức này đã bao gồm thù lao đại lý trong đó, là 600 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, dầu"- Thứ trưởng Mai nhấn mạnh.

Cũng theo bà Mai, cần quy định rõ ràng hơn về thù lao đại lý. Bởi chính điều này đã tạo ra sự phức tạp, lộn xộn cho thị trường bán lẻ xăng dầu và không có thước đo chuẩn mực để cơ quan nhà nước thực hiện quản lý giám sát.

Yêu cầu thoái vốn việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

Ngoài kết quả kiểm tra chính mặt hàng xăng dầu, nhóm kiểm tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra các dự án đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp.

Điển hình như trong năm 2010, Petrolimex đầu tư mua tàu Vân Phong 1 với nguồn vốn vay là chủ yếu (vay Vietcombank 33 triệu USD, tương đương 609,8 tỷ đồng), vốn của công ty 207,52 tỷ đồng; tổng cộng là 817 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư tàu lại thuê ngoài quản lý, gây khó khăn trong việc quản lý chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và gia tăng khó khăn về vốn. Tính đến 30/6/2011, Petrolimex đầu tư vào DN khác với tổng giá trị 3.792.530 triệu đồng (chiếm 35,7% vốn chủ sở hữu).

Trong điều kiện khó khăn về vốn kinh doanh, việc thực hiện đầu tư ra ngoài ngành của Petrolimex là chưa hợp lý. Vì vậy, tổ kiểm tra kiến nghị Petrolimex chủ động có phương án thực hiện thoái vốn đối với hoạt động đầu tư ra ngành ngoài của tổng công ty hiệu quả và hợp lý.

Bản kết luận của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ: Mặc dù năng lực tài chính của một số đơn vị còn hạn chế và doanh nghiệp vẫn còn thiếu vốn kinh doanh xăng dầu nhưng 4 DN được kiểm tra đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn (trong đó có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản). “Trong thời gian tới, các DN cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo Dantri