Đại diện doanh nghiệp làm hồ sơ khai thuế, báo cáo thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Kim Ngân
Sau một thời gian kiểm tra, xử lý, mặc dù số lượng doanh nghiệp kê khai lỗ có giảm so với trước nhưng chủ yếu vẫn đối phó, chứ doanh nghiệp chưa thực sự kê khai lời đúng như hoạt động kinh doanh. Dù Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm soát chuyển giá nhưng quy định này lại quá… khó thực hiện, cán bộ thuế không thể áp dụng xử lý được.
Lời “cầm chừng” để đối phó
Để né “bộ lọc” của mạng quản lý rủi ro trong ngành thuế, nhiều doanh nghiệp trước đây kê khai lỗ bị cơ quan thuế “hỏi thăm” tới đã chuyển sang báo cáo lời. Năm 2008 có 56,3% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, năm 2010 giảm còn 47,6% doanh nghiệp kê khai lỗ. Kết quả đó là nhờ Cục Thuế TP đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với những doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền.
Cụ thể, Năm 2009, Cục Thuế đã thanh kiểm tra 29 doanh nghiệp lỗ, truy thu và phạt 66 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 600 tỷ đồng. Năm 2010, Cục Thuế đã thanh kiểm tra 90 doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền, kết quả đã giảm lỗ được hơn 1.600 tỷ đồng, truy thu và phạt 360 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo nhận xét của ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, việc thanh kiểm tra đã đánh động để doanh nghiệp điều chỉnh lỗ chuyển sang báo cáo lời chút đỉnh, nhằm đối phó chứ chưa thật sự phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc thanh kiểm tra các doanh nghiệp kê khai lỗ của cơ quan thuế lại vô cùng cam go, tốn thời gian. Chẳng hạn, Công ty TNHH ASTRO có số lỗ lũy kế lên gần 100 tỷ đồng, lỗ bứt hết vốn pháp định. Mặc dù cơ quan thuế xác định được công ty này gia công toàn bộ hàng cho công ty mẹ, giá gia công do công ty mẹ ấn định, thấp hơn giá các doanh nghiệp cùng loại. Để xác định giá, đoàn thanh tra phải tham khảo tại 7 công ty cùng ngành nghề mới có cơ sở ấn định thuế đối với Công ty ASTRO.
Sau một thời gian dài đấu tranh, cuối cùng, năm 2006, ASTRO điều chỉnh giảm lỗ 43 tỷ đồng, năm 2007 tăng thu nhập chịu thuế trên 500 triệu đồng và năm 2008 điều chỉnh giảm lỗ 22 tỷ đồng. Tượng tự, Công ty TNHH CCH Top gia công nón, phải rất cam go, Cục Thuế mới ấn định được giá và điều chỉnh giảm lỗ 80 tỷ đồng…
Doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Khó xử lý, vì sao?
Dù dấu hiệu xác định doanh nghiệp chuyển giá rất rõ ràng như: khai giá vốn cao hơn giá bán, khai lỗ nhưng tài khoản công ty có số dư rất cao (công ty khai rằng do khách hàng trả tiền trước), lỗ nhưng mở rộng sản xuất, tăng vốn pháp định… Thế nhưng, để xử lý lại rất khó. Các hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá giao dịch độc lập và giá giao dịch liên kết còn trên lý thuyết, thiếu cơ sở dữ liệu nên cán bộ thuế chưa thể áp dụng trong thực tiễn.
Cụ thể như quy định việc ấn định giá trong Thông tư 66/2010/TT-BTC cán bộ thuế không dám áp dụng vì không có cơ sở dữ liệu về giá. Nếu lấy các giá giao dịch trên thị trường tự do để áp dụng rất rủi ro cho cán bộ, vì nếu không chính xác sẽ không đủ cơ sở vững chắc khi bị kiện.
Nói như một cán bộ đoàn kiểm tra, với quy định thiếu thực tế hiện nay, nếu doanh nghiệp vi phạm không bị kiểm tra thì trốn được thuế, còn nếu phát hiện vi phạm đến đâu, chỉ bị xử lý đến đó. Do vậy, doanh nghiệp không sợ khi vi phạm. Trong khi đó, quy định hiện nay không rõ ràng, cán bộ thuế phải trầy trật kiểm tra, đối chiếu nhưng phát hiện tới đâu chỉ xử lý tới đó.
Do vậy, với những quy định khó khăn trong hoạt động kiểm soát chuyển giá hiện nay, Cục Thuế TP kiến nghị nhà nước cần ban hành quy định buộc doanh nghiệp kê khai lỗ sau 3 năm sẽ phải nộp thuế theo tỷ lệ ngành nghề, lĩnh vực như thế nhà thầu. Đồng thời, những doanh nghiệp kê khai lỗ mà cơ quan thuế thanh kiểm tra phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp đó không được hưởng ưu đãi về thuế, không được hoàn thuế giá trị gia tăng…
Có như vậy quy định mới đủ sức răn đe những doanh nghiệp vi phạm, có ý đồ vi phạm. Bởi hiện nay, hoạt động chuyển giá, giao dịch liên kết không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp FDI mà lan ra cả doanh nghiệp trong nước, một cá nhân thành lập hàng loạt công ty để tự mua bán, dàn xếp lợi nhuận lẫn nhau.
Theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, hiện có hơn 460 doanh nghiệp FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu, chiếm 12% số doanh nghiệp FDI do Cục Thuế TP quản lý. Trong các KCX-KCN TP, hiện có khoảng 5% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ âm vốn chủ sở hữu. |
Theo Vinacorp