Tiêu chuẩn “đè” cá tra

Thứ ba, 28/06/2011, 00:00
Đang có đến 23 tiêu chuẩn bền vững được áp dụng trong nuôi trồng và chế biến cá tra tại VN. Mỗi năm nhiều người dân, doanh nghiệp đều phải bỏ ra chi phí khá lớn để có những chứng nhận cho các tiêu chuẩn này.


Thu hoạch cá tra tại An Giang

Điều đáng nói là trong khi các tiêu chuẩn cũ áp dụng chưa thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, thì tiếp tục có thêm những tiêu chuẩn mới được đưa vào nhân danh quyền lợi người tiêu dùng.

Một con cá... 23 tiêu chuẩn

Cần sớm có tiêu chuẩn VN

Theo các chuyên gia thủy sản, việc nhiều cơ quan tổ chức đưa ra các tiêu chuẩn của họ đối với thủy sản nói chung và cá tra VN nói riêng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yêu cầu của khách hàng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, không nhất thiết tiêu chuẩn nào chúng ta cũng phải áp dụng, khi áp dụng phải đổi lại quyền lợi nào đó.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, nói rằng các tiêu chuẩn này được áp dụng theo thỏa thuận giữa người bán và người mua. Về nguyên tắc, nếu người mua đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn bình thường thì họ sẽ chấp nhận trả giá cao hơn.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, các cơ quan chức năng đã quá chậm trễ trong việc xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của VN cho ngành thủy sản. Do vậy, trước mắt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn của VN (Viet GAP) và chính thức áp dụng ngay với các vùng nuôi thủy sản. Còn về lâu dài, VN không nhất thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài mà có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn cho riêng mình theo các nguyên tắc cơ bản của FAO.

Tại hội thảo “Chứng nhận và phát triển bền vững cá tra” ngày 27-6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Tử Cương - cán bộ Hội Nghề cá VN (Vinafis) - bức xúc cho rằng người nuôi cá tra đang phải chịu sức ép của quá nhiều tiêu chuẩn bền vững.

Theo thống kê của Vinafis, hiện đang có chín tiêu chuẩn bền vững được áp dụng và khuyến cáo áp dụng trong nuôi cá tra tại VN. Còn theo một chuyên gia thủy sản đến từ nước ngoài, tính đầy đủ thì cá tra đang áp dụng tới 23 tiêu chuẩn loại này.

Theo ông Cương, tất cả tiêu chuẩn trên đều dựa vào cơ sở là tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra với bốn trụ cột là an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Mỗi tổ chức lựa chọn một khía cạnh làm chi tiết hơn để thành tiêu chuẩn của họ và thúc đẩy các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận đó.

“Họ có thể làm để lấy tiền hay nâng cao danh tiếng của tổ chức, nhưng dù với hình thức nào thì cũng là cách lấy tiền từ người nghèo, những người nuôi trồng thủy sản” - ông Cương bức xúc cho biết.

Mặc dù các chứng nhận trên đều mang danh nghĩa là “chứng nhận tự nguyện”, tức người nuôi có toàn quyền quyết định áp dụng hay không nhưng theo các chuyên gia, một khi các tổ chức này nhân danh nhà nhập khẩu, nhân danh người tiêu dùng thì các công ty xuất khẩu không thể không làm theo. “Người mua cầm đằng cán nên nếu muốn vào thị trường của họ chúng ta buộc phải làm theo các tiêu chuẩn họ đưa ra” - ông Nguyễn Văn Kịch, giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, cho hay.

Châu Âu chấp nhận nhưng Mỹ từ chối

Theo ông Kịch, cách đây hơn mười năm, Cafatex là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện tiêu chuẩn phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) cho thị trường châu Âu. Đến nay công ty này đang thực hiện chương trình chứng nhận chất lượng. Điều oái oăm là nhiều tiêu chuẩn được châu Âu chấp nhận nhưng lại bị khách hàng Mỹ, Nhật từ chối với lý do họ có những tiêu chuẩn riêng.

Ông Kịch cho biết bản thân tiêu chuẩn phát triển bền vững cá tra là không xấu và góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Tuy nhiên, chỉ nên thống nhất một vài tiêu chuẩn để doanh nghiệp thực hiện cho đỡ tốn công sức và tiền bạc. Bởi dù đã nỗ lực xây dựng vùng nuôi và nhà máy theo các tiêu chuẩn khách hàng đưa ra với chi phí không hề nhỏ nhưng phần nhận được lại không tương xứng.

Giám đốc một công ty là một trong những đơn vị có vùng nuôi cá tra đạt chứng nhận Global GAP đầu tiên tại VN cho biết không như kỳ vọng ban đầu về việc giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng lên đáng kể khi có chứng nhận, thực tế đánh giá kết quả thu được sau gần một năm đạt chứng nhận là không hiệu quả. Theo vị giám đốc này, chi phí để đạt được chứng nhận Global GAP là phải dành 20% diện tích vùng nuôi làm bể lắng xử lý bùn từ ao sau khi nuôi..., đã làm tăng giá thành nuôi lên khoảng 20% so với bình thường.

Trong khi đó, giá xuất khẩu cá đạt tiêu chuẩn Global GAP cũng chỉ tăng khoảng 20%. Hiện công ty này đang chuẩn bị triển khai theo chứng nhận của một loại tiêu chuẩn mới với hi vọng sẽ hiệu quả hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Kịch thì thắc mắc: người nuôi cá VN đã đầu tư cả công sức và tiền bạc để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng nhưng phần đông họ nhận được lại không tương xứng.

“Chênh lệch giữa giá bán của người dân và giá bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu khác nhau một cách quá xa, giá bán lẻ cao kỳ lạ. Cụ thể giá mua chỉ 2-3 USD/kg trong khi giá bán trên 10 USD/kg là vô lý, thể hiện sự bất cân bằng về phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị cá tra toàn cầu” - ông Kịch bức xúc.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Lê Trung

Các tin cũ hơn