Lấy hàng theo ngày để hạn chế rủi ro

Thứ tư, 27/07/2011, 00:00
Hiện nhiều nhà bán lẻ hàng điện máy, công nghệ thông tin đang đẩy nhanh chu kỳ nhập hàng, với số lượng hàng nhập mỗi lần một ít hơn.


Phần lớn các hệ thống bán lẻ hàng điện thoại di động, linh kiện công nghệ thông tin đang áp dụng hình thức “không ôm hàng”, bán hết hàng mới nhập hàng tiếp theo.

“Thời buôn bán khó khăn, biến động tài chính liên tục nên phải nghĩ đến việc hạn chế những rủi ro trong kinh doanh theo cách không để hàng tồn, không để chôn vốn”, ông Lê Huy Toàn, phụ trách ngành hàng thiết bị số của hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động nói.

Hiện tại, các đơn hàng điện máy lớn của các doanh nghiệp có đơn vị tính bằng ngàn chiếc vẫn còn nhưng trở nên hiếm hoi, chỉ một vài trung tâm bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A... mới có đủ khả năng tài chính cũng như hệ thống phân phối trải đều để dám lấy hàng. Ông Nguyễn Cảnh Hiền (Bách Khoa Computer) cho biết, những năm trước hàng nhập theo tháng, có lúc mua nguyên một lô cả ngàn chiếc, nay thì nhập hàng theo tuần. Việc nhập hàng như vậy có nhiều điều phải tính toán. Ông Lê Huy Toàn nói: “Nếu nhập ít, phân chia không đủ cho hệ thống sẽ khó cho việc kinh doanh, còn nhập nhiều sẽ bị tồn kho. Chấp nhận khoản tiền chiết khấu thấp, chi phí tiếp thị thấp nhưng khi nào không còn hàng trong kho mới nhập tiếp”. Ông Võ Ngọc Tài, giám đốc công ty Tầm Nhìn Số (TP.HCM) xác nhận: “Những trung tâm bán lẻ hàng công nghệ thông tin lớn cũng đang áp dụng hình thức lấy hàng theo ngày vì họ không muốn chôn vốn”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, phần lớn các hệ thống bán lẻ hàng điện thoại di động, linh kiện công nghệ thông tin như: Hoàn Long, Phong Vũ, Sáng Tạo, Thành Nhân... đang áp dụng hình thức “không ôm hàng”, bán hết hàng mới nhập hàng tiếp theo. Có ngày các nhà bán lẻ linh kiện máy tính, máy tính xách tay đến nhà phân phối lấy 3 – 4 đợt hàng tuỳ theo nhu cầu của khách hàng mua lẻ. Tại nhiều siêu thị hàng điện máy, có những mặt hàng chỉ có hàng mẫu. Nếu khách đặt hàng, nhân viên bán hàng nhận đơn hàng và lúc đó, siêu thị mới đặt hàng từ nhà phân phối để lấy hàng giao ngay. Giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy lớn tại TP.HCM xác nhận rằng hình thức này phù hợp với đơn vị của ông khi sức mua yếu. Cách làm này cũng giúp các siêu thị khỏi trữ hàng, giảm rủi ro khi giá giảm. Tuy nhiên, chỉ có những nơi doanh số lớn mới cạnh tranh bằng giá được dù lấy hàng theo ngày. Đại diện kinh doanh một hãng sản xuất máy tính chia sẻ: “Các nhà bán lẻ vẫn cam kết số lượng với nhà phân phối, nhưng thay vì lấy một lần thì nay họ chẻ thành nhiều gói khác nhau. Nếu cuối tháng đáp ứng được số lượng cam kết thì được hưởng những quyền lợi đã đặt ra trước đó, còn nếu không họ cũng chẳng mất nhiều so với ôm hàng trong kho”.

Không ít nhà phân phối đưa ra các hình thức khuyến khích như tăng thêm kinh phí tiếp thị, tăng tỷ lệ chiết khấu... nhưng vẫn không đẩy được lượng hàng ra thị trường như kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Giám đốc một hệ thống bán lẻ nói với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Lúc này cần tỉnh táo trước những chiêu bán hàng của các nhà phân phối”.

Một hiện tượng mà nhiều nhà bán lẻ đang lo ngại là tình trạng tưởng lãi hoá lỗ, nếu ôm hàng. “Có lãi với 20% lượng hàng bán ra ban đầu, còn 80% còn lại chỉ từ hoà vốn đến lỗ. Tính ra, nhà bán lẻ may mắn sẽ được hoà vốn, thông thường là bị lỗ khi sức mua kém như hiện nay”, phụ trách ngành hàng công nghệ thông tin của một siêu thị lớn tại TP.HCM phân tích.

(Theo SGTT)

Lê Trung

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích