Nhiều thách thức Theo hãng tin AP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ hai của ông trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn như lạm phát hai con số, thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng nội tệ yếu, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm sâu so với các thị trường khác ở châu Á… Một nhà kinh tế từng là cố vấn của Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề, “câu hỏi lớn ở đây là Thủ tướng sẽ thể hiện sức mạnh của mình thế nào? Ông đã rút ra những bài học gì sau ba năm hoạch định chính sách vĩ mô? Và các lợi ích nhóm sẽ ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách như thế nào? “Tôi không nghĩ chúng ta thực sự biết (những điều này) cho tới khi chúng ta thấy chúng được thực hiện trong năm đầu tiên (nhiệm kỳ hai của Thủ tướng)”, ông này nói. Các nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế như ngân hàng Thế giới WB và ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến cáo, Việt Nam phải kiên trì với tiến trình đảm bảo chiến lược ổn định kinh tế vĩ mô và đưa ra các giải pháp quyết liệt để tái cấu trúc nền kinh tế, nhằm tăng cường tính cạnh tranh. Hồi tháng 2 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt các chính sách tiền tệ và tài khoá, cắt giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% và cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trước đó, quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nhận định, các chính sách kinh tế của Việt Nam gây ấn tượng là Chính phủ ưa thích tăng trưởng trong ngắn hạn hơn là ổn định kinh tế cần thiết trong thời gian dài.
Vấn đề thứ hai, trong nhiệm kỳ đầu Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, tập đoàn Vinashin đã gần sụp đổ, với số nợ nước ngoài ước tính 4,5 tỉ USD, tương đương 4,5% GDP 2009. Hãng tin Bloomberg trích lời ông Quách Mạnh Hào, phó tổng giám đốc của công ty chứng khoán Thăng Long, cho rằng “Sẽ tốt hơn nếu trong nhiệm kỳ tới Thủ tướng thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp và cải cách cấu trúc quản trị, giúp các công ty được quản lý hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt nhận định rằng, tuy lựa chọn như vậy nhằm duy trì sự ổn định của ban lãnh đạo, giúp tránh những hệ quả không lường trước, nhưng điều đó cũng có nghĩa “cam kết ủng hộ doanh nghiệp nhà nước hơn trước sự phát triển của khu vực tư nhân đầy xung lực”. Nhìn về tương lai, Matt Hildebrandt, nhà kinh tế của JPMorgan Chase & Co đặt trụ sở tại Singapore nói: “Vấn đề hiện giờ là, Thủ tướng có đưa ra được các quyết định cứng rắn, để giảm lạm phát và đưa niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam trở lại không?” Chính trị gia hiện đại Benoit de Treglode, chuyên gia của viện Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại tại Bangkok nhận định, ông Nguyễn Tấn Dũng là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, xét theo bối cảnh ở châu Á. Ông De Treglode cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công trong việc thu hút đội ngũ của nền kinh tế mới về phía mình và có khả năng hơn những người tiền nhiệm trong việc giao tiếp với cộng đồng quốc tế. Trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO hồi năm 2007. Xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt từ 1,03 tỉ USD năm 2001 lên 14,8 tỉ USD năm 2010 khi hiệp định thương mại hai bên có hiệu lực, theo uỷ ban Thương mại quốc tế của Mỹ. Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời kỳ 2008 – 2010 Michael Michalak gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “người có tư tưởng cải cách”. Các nhà phân tích nói chung đều nhận định ông Dũng ủng hộ cải cách kinh tế nhiều hơn và minh bạch hơn. (Theo SGTT)
Từ phải sang: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Lạm phát đã tăng trong 11 tháng liên tục với mức 22,16% trong tháng 7, mức cao nhất trong 17 nền kinh tế châu Á, theo thống kê của Bloomberg. Chính điều này đang “bóp nghẹt” người nghèo do giá lương thực thực phẩm tăng cao.
Lê Trung