Tại buổi giao ban bộ Công thương ngày 1.8, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ cho hay, bảy tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 4,6 triệu tấn gạo, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, song số lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp còn khoảng 1,4 triệu tấn. Ngoài ra, số lượng gạo các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng mua là 6,2 triệu tấn. Tuy nhiên, điều khó khăn là, theo nghị định 109 có hiệu lực từ đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn được bộ Công thương cấp phép phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông ban hành; Có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Chính những quy định mới này mà 6 tháng đầu năm 2011, theo ông Huệ, chỉ mới có 23/210 doanh nghiệp xuất khẩu gạo được bộ Công thương cấp phép. Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, mục đích của nghị định này là gắn thương mại sản xuất, gắn doanh nghiệp với nhà nông. “Vì thực tế, trước đến nay các nhà máy xay xát đều nằm ở vùng nguyên liệu. Do đó, các thương lái thu mua lúa của nông dân thì mang ngay đến nhà máy để chà lúa thành gạo. Sau đó, bán cho doanh nghiệp xuất khẩu để họ mang đến cho những nhà máy lớn đánh bóng lại và đóng quy cách xuất khẩu. Cho nên doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo xưa nay chỉ lo đầu tư vào nhà máy lau bóng gạo chứ chưa đầu tư vào nhà máy xay lúa và kho chứa lúa”, ông Biên cắt nghĩa cho tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đáp ứng điều kiện kho chứa và nhà máy xay xát. Vụ trưởng vụ Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho hay, theo khảo sát của cơ quan này, hiện có khoảng 50-60 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đáp ứng được các điều kiện về kho bãi, cơ sở xay xát. Điều này cũng phù hợp với tính toán của bộ khi ban hành Nghị định 109 để “thanh lọc” các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. “Thực tế, đến hết tháng 7, chúng tôi đã cấp 29 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu cho doanh nghiệp. Ngoài ra, 15 bộ hồ sơ đủ tiêu chuẩn cũng sẽ được cấp trong thời gian tới”, ông Chinh nói. Dẫu vậy, thứ trưởng Biên cũng thừa nhận, nghị định chưa tính tới yếu tố thị tường trong khi năm 2011 có nhiều điểm quan trọng, quyết định đầu ra hạt gạo Việt Nam. Vì thế, ông Biên thông tin, bộ Công thương thống nhất sẽ tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu long, nhằm tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp trước thời điểm 1.10. Thứ trưởng Biên lưu ý các sở Công thương, hiệp hội thống kê số doanh nghiệp đã làm hồ sơ nhưng không đáp ứng được quy định mới của bộ Nông nghiệp, tập hợp kiến nghị gửi về bộ Công thương. “Bộ sẽ xem khả năng giải quyết nhu cầu các đơn vị này như thế nào, để làm sao không quá máy móc, hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu; tìm các giải pháp dung hòa để sản xuất và xuất khẩu gắn kết với nhau, không gây xáo trộn trong xuất khẩu gạo”, ông Biên nói. (Theo SGTT)
6 tháng đầu năm 2011, chỉ mới có 23/210 doanh nghiệp xuất khẩu gạo được bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo.
Lê Trung