Theo hiệp hội này, trong 6 tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý đã xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD nhóm các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ bằng vàng. Việc xuất khẩu mặt hàng này, theo hiệp hội KDV, đã thu hút lượng vàng đáng kể đang nằm tích trữ trong dân. Với lượng vàng cất trữ ở Việt Nam có thể lên đến khoảng 400 tấn vàng, theo hiệp hội này, sẽ không thể dễ dàng đưa vào lưu thông nếu như người dân không thấy có lợi về giá khi bán ra trên thị truờng.
“Theo dõi và khảo sát thị trường trong các năm gần đây khi giá vàng quốc tế biến động mạnh các công ty sản xuất kinh doanh Vàng bạc Đá quý có nhu cầu mua vàng để sản xuất trang sức mỹ nghệ với số lượng lớn, thì người dân thường đổ xô đi bán để chốt lãi”, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội KDV nhận định. Theo ông Long, chính động thái này đã hút lượng vàng khá lớn của dân chuyển thành tiền đồng đưa vào lưu thông, trong đó số tiền được gửi vào tiết kiệm của ngân hàng đã góp phần làm tăng tính thanh khoản, giảm được tình trạng thiếu vốn của ngân hàng Thương mại và hạ được lãi suất đầu vào khi nguồn cung tiền đựợc cải thiện. Chính điều này, theo ông Long, đã góp phần đáng kể giải phóng nguồn lực bằng vàng nằm "chết" trong dân cư và hạn chế tình trạng “vàng hóa” của nền kinh tế.
Cho nên, theo hiệp hội KDV, việc xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ dưới mọi hàm lượng cần được khuyến khích. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, theo thông tư 184 của bộ Tài chính, các sản phẩm trang sức mỹ nghệ khi xuất khẩu nếu muốn được hưởng thuế suất 0% thì phải đáp ứng yêu cầu là có hàm lượng vàng dưới 99%, có trọng lượng dưới 1 ounce troy. Chỉ với yêu cầu này các doanh nghiệp đã phải tăng chi phí gia công gấp hàng chục lần và có độ hao phí vàng rất lớn.
Về chủ trương điều chỉnh thuế suất 10% đối với các sản phẩm đồ kim hoàn, đồ mỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng có khối lượng trên 1 ounce troy, có hàm lượng vàng trên 80% mà có cơ quan nhà nước đề xuất, theo hiệp hội KDV, đó là “một ý định không hợp lý” và tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Hiệp hội cho rằng với biện pháp này cũng không thể giảm được hiện tượng xuất khẩu trang sức mỹ nghệ chế tác đơn giản mà được coi là “biến tướng” hiện nay.
“Thực chất của vấn đề là một khi do cung cầu của thị trường và khi giá trong nước thấp hơn giá quốc tế thì cơ hội xuất khẩu vàng dưới mọi hình thức sẽ xảy ra, nếu không xuất khẩu được theo con đường chính thức, thì xuất khẩu lậu vàng khó tránh khỏi”, hiệp hội KDV đánh giá.
Theo ông chủ tịch hiệp hội KDV, nếu áp dụng một chế tài đối với trang sức xuất khẩu bằng “hàm lượng vàng” thì các doanh nghiệp có thể sẽ phải “hạ tuổi vàng” để đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan quản lý. Hệ quả là chi phí tiếp tục tăng cao, hao hụt trong sản xuất lớn và tốn kém hơn cho của cải xã hội.
“Nếu chênh lệch giá xuất khẩu không đủ để trang trải chi phí, thì việc xuất khẩu qua đường chính ngạch sẽ không thực hiện được, và như vậy tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lậu”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, với lần điều chỉnh tỷ lệ vàng thứ 2 (dự kiến) này , nếu chênh lệch giá trong nước và giá quốc tế vẫn có lợi, thì doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hạ tuổi vàng xuống dưới 80% theo quy định của cơ quan quản lý để có thể xuất khẩu.
Được biết, trong văn bản gửi bộ Tài chính, hiệp hội KDV đề nghị bộ Tài chính tạm thời chưa điều chỉnh hàm lượng vàng quy định tại thông tư 184/TT-BTC.
(Theo SGTT)
Lê Trung