Cà phê Việt Nam đạt mức giá cao nhất 13 năm qua

Thứ tư, 10/08/2011, 00:00
Với giá xuất khẩu từ 2.200 – 2.500 USD/tấn, những tháng đầu năm 2011 cà phê Việt Nam đã đạt được mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua.

 


picture

Hàng năm Việt Nam đều xuất khẩu trên 90% sản lượng cà phê sản xuất ra.

Tại hội thảo “Nhận định các kênh đầu tư 2011” vừa được tổ chức cuối tuần qua, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, 7 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 900 nghìn tấn cà phê nhân, kim ngạch đạt khoảng 2 tỷ USD. Lượng cà phê xuất khẩu thời gian qua chỉ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị tăng tới 92,6%. 

Lý do khiến giá cà phê tăng mạnh là thời gian qua, tình hình thời tiết ở nhiều nước trồng cà phê trên thế giới có những diễn biến bất thường. Lượng cà phê tồn kho của thế giới lại ở mức thấp. Thêm vào đó là giá cả của hầu hết các mặt hàng nông sản đều có xu hướng tăng.

Vì thế, “lúc đỉnh điểm cà phê Việt Nam đã xuất khẩu được với mức giá FOB cao nhất là 2.500 USD/tấn, còn trung bình là 2.200 – 2.300 USD/tấn. Đây được xem là mức giá xuất khẩu cao nhất của cà phê Việt từ năm 1999 tới nay”, ông Tự nhìn nhận.

Năm 2011, theo dự báo của Vicofa, ngành cà phê sẽ xuất khẩu được 1,2 triệu tấn với kim ngạch đạt từ 2,4 – 2,5 tỷ USD.

Ước đoán về diễn biến của thị trường, ông Tự cho rằng, từ nay đến cuối năm giá cà phê xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Còn sang năm 2012, đồng USD yếu có khả năng sẽ thúc đẩy giá cà phê tăng vì hàng năm nhu cầu đối với mặt hàng này đều có mức tăng trưởng khoảng 2%. Trong khi sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2011/2012 theo ước tính lại giảm khoảng 3 triệu bao (bao 60 kg) so với niên vụ trước khi chỉ đạt 132 triệu bao.

Sản lượng cà phê niên vụ 2010/2011 của Việt Nam đạt khoảng 15,6 triệu bao, bằng sản lượng của năm 2008. Thị phần năm 2010 của cà phê Việt Nam chiếm khoảng 14% sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê xuất khẩu năm qua chiếm tới trên 91% sản lượng của toàn ngành.

Song vị đại diện của Vicofa cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù giá trị xuất khẩu của cà phê tăng đáng kể, nhưng phần lợi nhuận thực sự mang lại không lớn do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Trong khi, quá trình rang xay mới thực sự mang lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm. Do đó, trong vòng 10 - 15 năm tới, Việt Nam cần phải hướng tới mục tiêu sẽ tăng tỷ lệ cà phê chế biến xuất khẩu lên  khoảng 20%.
(Theo Vneconomy)

Lê Trung

Các tin cũ hơn