(Ảnh minh họa)
Tiếp tục thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Tại hội thảo, Đại sứ Nhật Bản Tanizaki khẳng định VN và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục trao đổi về dự án nhà máy điện hạt nhân ở VN. “Phương châm của Nhật Bản chúng tôi là hợp tác của Nhật Bản với VN trong lĩnh vực điện hạt nhân phải dựa trên cơ sở xem xét tất cả các phương diện về mặt an toàn, cả về những phương diện, những vấn đề sau khi xảy ra động đất và sóng thần, chứ không phải là hợp tác mà không xem xét đến sự an toàn” - ông Tanizaki nhấn mạnh. |
Tại hội thảo về chủ đề tái thiết và phục hồi Nhật Bản do Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp cùng Thời Báo Kinh Tế Nikkei tổ chức ở Hà Nội ngày 10-8, đại sứ Nhật Bản ở VN Yasuaki Tanizaki nhận định: “Trong ba năm tới, dự kiến có ba ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản từ thảm họa động đất - sóng thần.
Thứ nhất là sản xuất giảm do bị ngừng nguồn cung về nguyên liệu, linh kiện. Thứ hai là việc giảm sản lượng cung cấp điện sẽ khiến việc sản xuất bị giảm. Thứ ba là quá trình tái thiết các khu vực bị thiệt hại sẽ có khả năng tạo ảnh hưởng có lợi cho nền kinh tế”.
Đây có thể là động cơ mới thúc đẩy làn sóng mới trong quan hệ giữa doanh nghiệp Nhật Bản và VN. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2006 chỉ có 200 doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện ở VN. Con số này năm 2010 đã lên đến gần 1.000 và còn tiếp tục gia tăng. Trận động đất và sóng thần xảy ra ngày
11-3-2011 đã phá hủy gần như toàn bộ cơ sở sản xuất ở miền đông Nhật Bản, nơi cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện chủ yếu cho ngành công nghiệp chế tạo của Nhật, làm đứt mắt xích công nghệ hỗ trợ của Nhật Bản. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp Nhật đã chuyển hướng bằng cách lấy nguồn cung cấp phụ tùng từ miền tây Nhật Bản và các thị trường nước ngoài, đặc biệt từ châu Á.
Tuy đứng trước cơ hội to lớn như vậy, việc đáp ứng nhu cầu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản không phải là dễ dàng khi ngành công nghiệp hỗ trợ của VN còn thiếu quá nhiều.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong khi trả lời báo chí bên lề hội thảo, thừa nhận: “Công nghiệp hỗ trợ ở VN còn thiếu cả về khung pháp lý và cơ chế chính sách. Cái thiếu thứ hai là về kết cấu hạ tầng, thứ ba là bản thân các doanh nghiệp VN trong lĩnh vực này chưa phát triển nên trình độ sản xuất và quản lý chưa sẵn sàng ở mức độ cao, thứ tư là ngành công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào các ngành công nghiệp hạ tầng, mà bản thân công nghiệp hạ tầng của chúng ta chưa phát triển cao”.
Ông Hirokazu Yamaoka, trưởng đại diện JETRO ở VN, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới VN trong thời gian tới sẽ là những doanh nghiệp coi VN là cơ sở sản xuất, quan tâm tới thị trường tiêu thụ nội địa của VN. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu thể hiện sự quan tâm tới các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại thị trường miền Nam VN.
Theo các khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, VN đứng thứ ba, thứ tư trong danh sách những thị trường đầu tư hứa hẹn nhất của các nhà đầu tư Nhật Bản về trung hạn và dài hạn. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của VN với các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn là giá nhân công thấp và thị trường tiêu thụ nội địa có tiềm năng, chứ không phải ở trình độ phát triển cao hay một nền công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng.
Về mặt luật pháp, bà Hikaru Oguchi - đại diện Công ty luật Nishimura & Asahi, một công ty lớn về luật của Nhật Bản đang có văn phòng tại TP.HCM chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào VN - cho biết vì hệ thống pháp lý của VN vẫn đang chạy theo sau sự phát triển kinh tế nên thường xuyên có sự thay đổi và không nhất quán giữa các cấp độ khác nhau cũng như giữa văn bản và thực thi. Ngoài ra, việc hệ thống giải quyết các tranh chấp của VN chưa thật sự hợp lý và sự khác biệt về cách hiểu, về văn hóa cũng là những vấn đề gây trở ngại lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
(Theo Tuổi Trẻ)
Lê Trung