Mỹ áp dụng tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm dành cho trẻ em

Thứ sáu, 12/08/2011, 00:00
Kể từ 14.8, việc xuất khẩu hàng hoá dành cho trẻ em từ 2 – 12 tuổi vào Mỹ sẽ được áp dụng một số tiêu chuẩn khắt khe hơn, vì thế các nhà sản xuất, nhập khẩu, bán lẻ và phân phối cần lưu ý các quy định mới nhất.

Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã đưa ra khuyến cáo này tại hội thảo về an toàn sản phẩm xuất khẩu đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức hôm qua 11.8.

Ông Richard W. O’Brien, giám đốc các chương trình quốc tế và Chính phủ Hoa Kỳ cho biết, kể từ 14.8 hàm lượng chì tối đa cho phép trong các sản phẩm dành cho trẻ em là 100ppm (trước đây là 300ppm); riêng hàm lượng chì có trong sơn và chất bao phủ mức tối đa cho phép là 90ppm, nếu vượt quá sẽ bị thu hồi hoặc tiêu huỷ.

Luật mới điều chỉnh sẽ có một số sản phẩm cho phép chì cao hơn 100ppm nhưng còn chờ chính thức được thông qua, vì thế những nhà sản xuất nên chú ý các thay đổi ở luật mới chuẩn bị ban hành. Tương tự, cho đến thời điểm này bất cứ sản phẩm nào cho trẻ em có chứa phtalates đều bị cấm, kể cả các bộ phận nằm kín bên trong, không vỡ, không rơi ra được, theo luật mới cũng sẽ có một số thay đổi.

Ông Richard cũng cho biết trong số sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, hàng dệt may chiếm tỷ trọng cao nhất và có mức độ tăng nhanh. Chính vì thế, nhà sản xuất phải hết sức cẩn trọng khi dùng các chi tiết, nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho trẻ như dây kéo, dây nơ, nút thắt... có thể gây nghẹt thở hoặc nghẽn đường hô hấp. Theo đó, cấm các dây thắt trên mũ trùm và cổ áo trẻ em từ 2 – 12 tuổi, những dây đeo ở hông không được dài quá 75mm và nằm cố định, những nút thắt bằng gỗ hay nhựa ở đầu dây phải loại bỏ.

Doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến việc truy xuất nguồn nguyên phụ liệu ở đâu và làm thế nào nhận biết là bảo đảm an toàn và đáng tin cậy. Nếu là nhà sản xuất hàng nhựa thì việc bảo đảm hoá chất mua không chứa phtalates hiện đang bị cấm, loại nào cấm và loại nào không cấm; nhà sản xuất đồ gỗ làm sao biết được keo dán và ốc vít nào không bị cấm; các phụ liệu áo quần trẻ em như dây kéo, nút, áo vải không có hoá chất và kim loại bị cấm ra sao...

CPSC cũng ghi nhận số lượng sản phẩm cho trẻ bị thu hồi tại Mỹ trong sáu tháng (10.2010 đến 3.2011) thì đồ may mặc bị thu hồi nhiều nhất, cao hơn cả đồ chơi và các sản phẩm khác do người tiêu dùng lo ngại trẻ con có thể hít thở hoá chất từ đồ may mặc hoặc các dây rút nguy hiểm. Riêng hàng may mặc Việt Nam xuất vào Mỹ có khoảng 8 – 9 mặt hàng bị thu hồi mỗi năm trong vòng 3 – 4 năm trước đây, riêng năm 2010 tăng vọt lên đến 18 mặt hàng. Năm 2011 tính đến tháng 7, đã có sáu mặt hàng bị thu hồi do vi phạm các tiêu chuẩn liên quan đến độ an toàn của trẻ như quần áo, giường ngủ, bao tay…

(Theo SGTT)

 

Lê Trung

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn