Quan chức Mỹ và Trung Quốc thảo luận về vị trí chỗ ngồi trước buổi lễ tại Đại học Quốc phòng Mỹ. Ảnh: BBC |
Khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Washington để hội đàm cấp cao, quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng căng thẳng và khó xử, thậm chí khi họ cố gắng cải thiện.
Theo Tara McKelvey, phóng viên chuyên về Nhà Trắng của BBC, có thể thấy mối quan hệ nặng nề giữa Washington và Bắc Kinh qua khuôn mặt nghiêm nghị của các quan chức quân sự trong cuộc họp cuối tuần trước tại Đại học Quốc phòng ở Washington.
Họ tham dự lễ ký kết thỏa thuận để thiết lập cơ chế đối thoại giữa quân đội hai nước, nhằm phối hợp tốt hơn về hỗ trợ nhân đạo và đối phó với thiên tai.
Theo quan sát của McKelvey, không phải ai trông cũng hài lòng. Trước khi buổi lễ bắt đầu, một quan chức Trung Quốc đứng trước căn phòng và nhìn chằm chằm vào hai chiếc ghế trống ở phía cuối dãy.
Trên ghế dán hai biển tên, một trong số đó là "Tướng Odierno", tức Tham mưu trưởng Mỹ Raymond Odierno. Ghế còn lại dán chữ "Tướng Phạm", tức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.
Nhân viên Trung Quốc liền gọi một quan chức Mỹ đến. "Chúng tôi đề nghị anh để Tướng Odierno và Tướng Phạm ngồi ở giữa", ông nói.
Người Mỹ đáp lại rằng ông ấy không muốn di chuyển ghế. Nhân viên Trung Quốc liền nhìn vào hàng ghế một lần nữa rồi nói: "Chúng tôi thấy sắp xếp thế này không thích hợp".
Một nhân viên Mỹ liền bóc biển tên ra khỏi một chiếc ghế và dán vào ghế khác. Quan chức Trung Quốc gật đầu. "Tốt rồi", ông nói.
Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long và Tướng Mỹ Raymond Odierno ngồi ở giữa hàng ghế, chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: China Daily |
Quan chức Mỹ ở phía cuối căn phòng nói rằng họ cố gắng hành xử linh hoạt. "Giống như nhạc jazz", ông nói. "Chúng tôi biết ứng biến".
Các lãnh đạo của hai cường quốc cũng đang ứng biến. "Dù có những lúc hai quốc gia chúng ta có sự khác biệt, điều quan trọng là chúng ta đã ngồi cùng nhau", Tướng Odierno nói tại Đại học Quốc phòng.
Tuy nhiên, việc duy trì cân bằng quyền lực là điều khó khăn. Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng về tranh chấp Biển Đông và an ninh mạng. Việc tranh luận về vị trí ghế ngồi cũng được giới chuyên gia cho là có ý nghĩa chính trị.
Trung Quốc có cái lý của mình, Andrew Oros, một giáo sư tại Đại học Washington ở Chestertown, Maryland, người viết về chính sách an ninh châu Á nói.
Mỹ đã quen thiết lập chương trình nghị sự, và cả sắp xếp ghế ngồi. Bây giờ Trung Quốc đã có cơ lên tiếng. "Trung Quốc tin rằng nước này đang nổi lên là một thế lực lớn, và xứng đáng được tôn trọng", ông nói. "Nước này đang thể hiện điều đó bằng nhiều cách, bao gồm cả vị trí chỗ ngồi".
Còn một vấn đề khác. Lyle Goldstein, giáo sư Đại học Hải chiến ở Newport, Rhode Island, nói. "Bản ngã của cả hai bên đều rất lớn".
Theo VNE