Năm 2016 sẽ tăng lương đồng loạt và 'trảm' cán bộ 'cắp ô'

Thứ tư, 17/06/2015, 15:30
Tỷ lệ cán bộ “cắp ô” dù ít hay nhiều cũng tác động xấu tới bộ máy và làm méo mó hình ảnh công vụ đất nước.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ như vậy bên hành lang Quốc hội sáng 16/6.

- Thưa ông, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở đồng loạt từ năm 2016 trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính. Ông nhận định ra sao về chỉ đạo của Phó Thủ tướng?

Tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức đáng ra theo lộ trình chúng ta đã phải hoàn thành chính sách tiền lương này từ lâu, nghĩa là thu nhập khu vực công chức phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu người lao động. Nhưng đợt điều chỉnh gần nhất là tăng được thêm 100.000 đồng/tháng từ năm 2013.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và lương cơ sở cần căn cứ trên hai yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng lên làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tiền lương. Tăng lương khi đó là để đảm bảo tiền lương vẫn đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Rất may là giai đoạn kinh tế vừa rồi, mức trượt giá được “kìm” lại nên cũng tác động không nhiều tới tiền lương.

Hiện nay tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng suất lao động (NSLĐ) cũng tăng, bình quân 3,7%/năm giai đoạn 2013 – 2014, có nghĩa Chính phủ phải nghĩ tới chuyện khi kinh tế tăng trưởng, nếu nguồn thu tăng lên thì cũng nên dành một phần từ nguồn tăng lên này để cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, nhằm hướng tới mục tiêu tiền lương phải là “đòn bẩy” cho tăng năng suất lao động (NSLĐ).

Phải chăng như ông nói hiện NSLĐ và tiền lương thấp khiến bộ phận cán bộ “cắp ô” đang có chiều hướng gia tăng?

Không hẳn là như vậy. Ai cũng nói là do cuộc sống khó khăn, lương thấp nên tỷ lệ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" tăng lên, cũng không hẳn là như thế. Muốn biết được chính xác tỷ lệ này là bao nhiêu thì có lẽ phải tự các cơ quan, đơn vị đánh giá chất lượng cán bộ của mình.

Tỷ lệ cụ thể cán bộ “cắp ô” là bao nhiêu thì chúng ta không dám chắc, nhưng đúng là hiện nay đang có một bộ phận công chức chất lượng thấp, đào tạo không đến nơi đến chốn, sử dụng không đúng ngành nghề nên NSLĐ thấp. Số cán bộ này làm cho bộ máy bị kiềm chế, tác động xấu và làm méo mó hình ảnh nền công vụ đất nước.

Trong quyết định tinh giản 100.000 biên chế công chức, viên chức tới đây dứt khoát phải giảm số cán bộ “cắp ô” này trước.

Cùng với đó, khi chúng ta cải cách chế độ tiền lương thì số cán bộ, công chức, viên chức còn lại thu nhập tăng lên, tức khắc sẽ tăng được NSLĐ, và như vậy thì đời sống người làm công ăn lương mới tốt lên được.

Nhưng lâu nay chúng ta vẫn bị kêu ca NSLĐ thấp, chỉ bằng 1/5 – 1/10 Thái Lan, Singapore, lý do bắt nguồn từ chính sách lương thấp, thưa ông?

Đúng là chúng ta cứ kêu ca NSLĐ thấp và đúng là tiền lương thấp, chính sách tiền lương bất cập thì lấy đâu ra động lực làm việc. Vì thế, nếu tăng được tiền lương sẽ là yếu tố quan trọng để tăng NSLĐ. Tôi nhắc lại, chúng ta phải hướng tới mục tiêu tiền lương phải là “đòn bẩy” cho tăng NSLĐ.

Nếu xét về bản chất, bao giờ tiền lương tăng bình quân cũng chậm hơn tăng NSLĐ. Nhưng vài năm gần đây NSLĐ tăng mà tiền lương không tăng thì rõ ràng ảnh hưởng tới người lao động.

Thêm nữa, như tôi đã phân tích, chỉ số trượt giá có giảm đi thì phần nào đó cũng có lợi cho người lao động, làm cho tiền lương danh nghĩa tăng lên, nhưng tiền lương thực tế giảm đi và như vậy NSLĐ tăng lên. NSLĐ tăng lên thì dứt khoát phải điều chỉnh tiền lương, kích cầu và thúc đẩy tăng tiếp NSLĐ.

Ra Nghị quyết về hưởng BHXH một lần, Quốc hội đã lắng nghe “tâm tư” người lao động.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, sửa luật thì phải theo quy trình, còn việc Quốc hội ra Nghị quyết là hình thức xử lý nhanh nhất cho người lao động (NLĐ) và chứng tỏ Quốc hội đã lắng nghe tâm tư của một bộ phận NLĐ gặp khó khăn.

Nội dung dự thảo Nghị quyết theo đúng tinh thần để NLĐ lựa chọn nhận hưởng BHXH một lần đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc và NLĐ tham gia BHXH tự nguyện nhưng không tiếp tục đóng BHXH.

Tuy nhiên, NLĐ nên cân nhắc kỹ, nếu quá khó khăn thì trước mắt hãy nhận một lần, còn nếu vẫn có khả năng đóng góp, tích luỹ thời gian, tham gia đóng BHXH để được hưởng hưu, tránh rủi ro khi về già.

“Thực chất, số tiền BHXH 1 lần cũng chưa chắc đã đủ vốn để NLĐ có thể làm ăn sinh sống. Vì những người làm việc phải đủ 20 năm lương cao thì khi về 1 lần mới được 120 triệu, dưới 20 năm thì chỉ vài chục triệu, còn làm vài năm thì số tiền này chẳng đáng là bao nhiêu”- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.

Dự kiến vào chiều 22/6, Quốc hội sẽ bấm nút và ra Nghị quyết

Theo Infonet

Các tin cũ hơn