Xử nghiêm trồng cây không đúng quy trình
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều qua (16/6), lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận được rất nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến việc dông lốc xảy ra khiến hàng nghìn cây xanh trên địa bàn bị gãy đổ. Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trận mưa dông chiều ngày 13/6, có gió giật từ cấp 8 đến cấp 9 gây hậu quả rất nặng nề cho người, phương tiện; hệ thống cây xanh và lưới điện trên toàn thành phố.
Trả lời câu hỏi về việc sau trận dông lốc chiều ngày 13/6, nhiều cây xanh mới trồng trên các tuyến phố đã lộ nguyên bầu bọc bằng dây, lưới và ni lông, ông Phong cho biết: “Việc dư luận, người dân phản ánh cây lộ bầu thì thành phố biết, Sở Xây dựng cũng biết. Sau khi nhận được chỉ đạo từ thành phố, Sở đã giao cho các đơn vị kiểm tra thanh tra, nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra cụ thể doanh nghiệp nào trồng các loại cây để nguyên bọc ni lông và sẽ thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí”, ông Phong nói.
Trước hoài nghi của dư luận về việc trồng cây còn để nguyên bầu, nguyên túi bọc như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây xanh? Lãnh đạo Sở Xây dựng lý giải, việc này ảnh hưởng như thế nào thì còn phải kiểm tra. Sau kiểm tra, thanh tra quy trình trồng cây, Sở sẽ tập hợp báo cáo cụ thể và có biện pháp xử lý.
Theo Sở Xây dựng, đối với quá trình rà soát lại hệ thống cây xanh đường phố sẽ phân loại, xác định cây nguy hiểm, không đúng loại cây đô thị: “Trong tháng 7/2015 chúng tôi sẽ báo cáo thành phố các loại cây này. Đối với số tiền thiệt hại liên quan đến vụ dông lốc, thành phố có Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, hiện đơn vị này đang thống kê cụ thể”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói.
Trong một diễn biến khác, theo phản ánh của một số người dân trên phố Lê Duẩn vào trưa ngày 16/6, một nhóm công nhân đã đào đất, gỡ lớp lưới bọc phần rễ và bầu của những cây trồng trên tuyến phố này. Còn theo ghi nhận của phóng viên, những cây lộ đổ ngã nguyên bọc bằng túi lưới trên các tuyến phố khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh…, mà dư luận đã phản ánh thì đến nay đã được trồng lại.
“Việc công nhân đi gỡ bỏ các lưới bọc trên phố Lê Duẩn không phải là người của công ty. Sau khi có phản ánh của dư luận, chúng tôi đã cho tiến hành thanh tra nội bộ toàn bộ quy trình trồng cây của các đơn vị liên quan”, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (gọi tắt Cty Công viên cây xanh Hà Nội) cho biết
Trưa ngày 16/6, công nhân đi gỡ bỏ lưới ở các cây trên phố Lê Duẩn. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo lãnh đạo Cty Công viên cây xanh Hà Nội, việc trồng cây xanh đường phố, cây xanh đô thị hiện nay có rất nhiều đơn vị khác tham gia. Vị này lý giải, về nguyên tắc cây mới trồng cần có lưới bao để tránh vỡ bầu đất và lưới này sẽ tự hủy, tuy nhiên không loại trừ khả năng công nhân không làm đúng quy trình.
“Chúng tôi không bao biện hay thanh minh cho nhân viên của mình, nhưng đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà nó còn là danh dự của ngành, của truyền thống của Cty mấy chục năm nay. Phía công ty sẽ thanh kiểm tra nội bộ, rà soát quy trình trồng cây để làm sáng tỏ vấn đề này”, đại diện Cty Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định.
Về việc chậm trễ khắc phục hậu quả sau trận mưa dông, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, dự kiến ban đầu chỉ có khoảng 300 cây nhưng trên thực tế có tới 1.300 cây bị gẫy đổ. Đến chiều 16/6, công tác khắc phục cơ bản đã hoàn tất, toàn bộ cây gẫy đổ đã được dọn dẹp, đảm bảo cuộc sống và nhu cầu đi lại của người dân được bình thường.
Đối với hàng loạt cây xanh bị đổ trong vườn hoa, công viên cũng đang được lực lượng chức năng khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài ngày tới. Việc trồng thay thế cây đổ gãy cũng được chuẩn bị và sẽ được trồng lại, trên cơ sở cây trồng mới phải đảm bảo sống và sinh trưởng tốt. Riêng tại đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố sẽ xin ý kiến các nhà khoa học, ý kiến người dân xem phải trồng loại cây nào phù hợp nhất.
Liên quan đến trách nhiệm, bù đắp thiệt hại cho gia đình gặp nạn trong vụ dông lốc, ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến chia sẻ, giúp đỡ từng gia đình. |
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, sau sự việc này, Hà Nội cũng có thêm nhiều kinh nghiệm và sẽ phải có kế hoạch dài hơi hơn. Trong đó thành phố sẽ ghi nhận các kiến nghị về giải pháp cảnh báo mưa dông qua hệ thống loa phát thanh, tin nhắn điện thoại. Đối với các đơn vị thực hiện trồng cây trong hợp đồng quy định rõ các cây trồng mới phải đảm bảo sống và phát triển bình thường mới được thanh toán tiền. “Các đơn vị trồng cây phải đảm bảo cây phải sống, sinh trưởng tốt sau 1 năm thậm chí lâu hơn họ mới được quyết toán và trong thời gian đấy họ phải bảo hành việc chăm sóc cây”, một vị cán bộ lý giải.
Trong một diễn biến liên quan, các chuyên gia cũng đã lên tiếng về sự việc này: “Nếu không phải bọc tự hủy mà là một chất liệu khác, khi trồng không tiến hành tháo bỏ thì không đúng với quy trình trồng cây xanh. Vì nếu bọc kín, ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc của cây, rễ không thể xuyên thủng để bám vào đất”, ông Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, cây trồng ở đường phố Hà Nội chưa phù hợp: “Không nên trồng các loại cây như xà cừ, cây bàng, cây keo… để làm cây đô thị vì không đảm bảo an toàn. Đơn cử xà cừ gãy đổ ít nhưng đã đổ thì gây nguy hại rất lớn đến tính mạng cũng như tài sản của người dân. Vì thế trồng cây gì phải bàn tính và loại cây gì là phù hợp.
Có ba vấn đề đặt ra khi trồng cây xanh đô thị là yêu cầu an toàn, bóng mát và có hoa hay không. Trong đó an toàn là quan trọng nhất. Theo tôi Hà Nội cần phải tổ chức những cuộc hội thảo khoa học để đánh giá liên quan đến việc trồng cây như thế nào”, ông Hùng chia sẻ.
Theo Tiền Phong