Vì sao cây xanh, cột điện đổ hàng loạt?

Thứ ba, 16/06/2015, 09:10
Sau cơn dông chiều 13/6, hàng nghìn cây xanh, hàng loạt cột đèn, cột điện ở Hà Nội bị gãy, đổ. Tại sao cây xanh gục hàng loạt, tại sao nhiều cột điện rỗng lõi?
Cột điện gãy rỗng lõi trên đường Quang Trung. Ảnh: T.H
Cột điện gãy rỗng lõi trên đường Quang Trung. Ảnh: T.H

Đến 15/6, sau hai ngày xảy ra trận dông lốc, nhiều khu vực, tuyến phố ở Hà Nội vẫn ngổn ngang cây xanh bị gãy đổ. Tại một số tuyến phố chính của các quận nội thành xảy ra tình trạng những cây cổ thụ mà chủ yếu là cây xà cừ đang có hiện tượng nghiêng đổ gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong trận dông lốc vừa qua hệ thống cây xanh đường phố Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng, tập trung vào các quận như Hoàn Kiếm (86 cây đổ), Hai Bà Trưng (207 cây đổ), Đống Đa (96 cây đổ) và Hoàng Mai (300-500 cây đổ). Số lượng thống kê chưa đầy đủ của các đơn vị quản lý công viên cây xanh, số cây đổ trên địa bàn 12 quận nội thành trên 900 cây, dọc Đại lộ Thăng Long và Đường 5 kéo dài là khoảng 450 cây.

“Trước mắt, Sở yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung khắc phục, giải quyết hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó cũng phải rà soát, thống kê lại tất cả cây nghiêng, đổ, nhà tốc mái, hệ thống điện để tổ chức lực lượng xử lý sớm”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, trong trận dông lốc, số cây xanh đô thị bị đổ gãy rất nhiều mà phần lớn là những cây to, đường kính lớn, đại diện Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn kéo dài. “Hệ thống cây xanh đường phố bị gãy đổ nhiều. Nhưng nói chất lượng có vấn đề là không có cơ sở vì cây xanh được trồng và quản lý đúng quy trình của hệ thống cây xanh đô thị”, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết.

Ông Hoàng cũng lý giải trước thông tin phản ánh hiện tượng sau dông nhiều cây xanh bật gốc “lộ” nguyên cả bầu có bọc lưới xung quanh: “Việc trồng cây xanh với bọc lưới xung quanh là chuyện bình thường và đúng quy trình. Vì khi vận chuyển và khi trồng để bảo đảm bầu cây không bị vỡ, người ta sẽ bọc lưới xung quanh và khi trồng các rễ cây sẽ đâm thủng lưới ấy chứ không có vấn đề gì ở đây về chất lượng hay trồng không đúng cách”, đại diện Cty công viên cây xanh lý giải.

Cột điện bê tông rỗng lõi đúng kỹ thuật?

Ngoài cây cối, cột điện bê tông bị gãy đổ cũng đang xếp trên vỉa hè chờ dọn đi. Tại ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung, cột điện gãy trơ nằm ẩn khuất trong đống lá cây đang khiến người dân chú ý. Bởi cây cột bị gẫy ước chừng cao 12m, song toàn bộ phần dưới là lõi rỗng, chỉ có khoảng 1m phía trên đỉnh cột mới có thiết kế đặc. Ông Trung, một người dân tại phố Quang Trung lo ngại, cột điện mà rỗng như vậy thì sẽ rất khó chịu lực của một va chạm nhỏ, chứ đừng nói đến mưa dông.

Qua tìm hiểu, được biết các cột bê tông đang lắp đặt hiện nay do 2 đơn vị gồm: Công ty CP bê tông Thịnh Liệt và Xí nghiệp bê tông đúc sẵn Chèm sản xuất.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên viên của Cty CP bê tông Thịnh Liệt thông tin, cột bê tông rỗng bên trong là cột bê tông ly tâm, hoàn toàn đúng theo thiết kế tiêu chuẩn được nhà nước công nhận. Theo vị này, đây là công nghệ đúc cột điện dự ứng lực, những sợi thép nhỏ trong cột điện sẽ tạo ứng suất trước cho cột điện ly tâm.

Khi đúc, những sợi cáp này được căng với sức kéo khoảng vài tấn trong quá trình bê tông đông cứng nên rất bền. Lõi cột điện đúc theo công nghệ này luôn là hình trụ rỗng để tăng tính chịu lực, ống rỗng tròn chịu lực tốt hơn ống đặc. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp giảm trọng lượng cột, giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Đại diện Tổng Cty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, tất cả cột điện bê tông mới đều được thiết kế theo đúng quy chuẩn. Hầu hết các cột điện bị đổ, gãy trong mưa dông đều do cây đổ trực tiếp vào cột hoặc đổ vào đường dây điện: “Đây là trường hợp thiên tai bất khả kháng, không có bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật hay chất lượng của cột điện”, đại diện EVN HANOI khẳng định.

Thông tin về những cột điện cũ trơ sắt gỉ trên đường Kim Ngưu, EVN HANOI cho hay, những cột điện này thường được gọi là cột H, cột K, đã có thời gian sử dụng trên 20 năm. Đơn vị hiện không quản lý những cột điện tại phố Kim Ngưu và đã có kế hoạch dỡ bỏ, tuy nhiên trên các cột này vẫn còn nhiều dây, cáp tín hiệu truyền hình, viễn thông vô thừa nhận nên chưa thể di dời.

Do sự cố xảy ra trên diện rộng nên trong sáng 15/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số điểm gặp sự cố. Lưới điện trung thế còn 5 điểm sự cố thuộc các khu vực Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất, Hoài Đức. Trên lưới điện hạ thế còn tồn tại 1 điểm sự cố chưa khắc phục xong do cây đổ đè gãy 13 cột hạ thế tại khu dân cư Thôn Bằng B, quận Hoàng Mai.

Theo Tiền phong

Các tin cũ hơn