Gần đây, đại tướng Viktor Bondarev, tư lệnh không quân Nga, tuyên bố: lực lượng sẽ mua ít nhất 50 chiếc Tupolev-Tu-160 “Blackjack” một khi chương trình này được khởi động lại, để tăng cường sức mạnh không quân.
Quân đội Nga cũng yêu cầu các nhà máy nhanh chóng thực hiện quá trình thay đổi, để tái sản xuất Tu-160. Chương trình này sẽ không xen vào việc sản xuất máy bay ném bom mới PAK DA, vốn được dự kiến sẽ bay chuyến đầu tiên từ năm 2019.
Nhưng nhiều chuyên gia nhận định: không thể thực hiện các tuyên bố của quan chức Nga, vì Nga không đủ người giỏi để có máy bay ném bom "Dùi cui", và không có kinh phí cần thiết.
Một nhà phân tích mảng quốc phòng Nga ở Moscow, nói với IHS Jane's: “Người đặt hàng vẫn còn tin chúng tôi đang sống trong thời Liên Xô, thời mà bạn chỉ việc tuyên bố và toàn bộ hệ thống thiết kế-sản xuất lao vào thực hiện mà không ước tính số tiền cần thiết, hoặc tệ hơn, không tính đến bất kỳ điều gì khác”.
Tuy nhiên, Điện Kremlin xem ra không đồng ý với quan điểm của các chuyên gia. Dù sử dụng lại thiết kế khung máy bay Tu-160 thời Liên Xô, Thứ trưởng quốc phòng Nga Yuri Borisov nói: Tu-160 sẽ là một kiểu máy bay ném bom được tái thiết kế, sẽ đi vào sản xuất từ năm 2023.
Theo ông, hệ thống điều khiển của Tu-160 sẽ hiện đại hơn nhiều so với kiểu Tu-160 gốc: “Nói chung, nó sẽ là một kiểu mới, gọi là Tu-160M2. Nó sẽ có những tính năng, đặc trưng kỹ thuật mới”, theo hãng tin Sputnik dẫn lời ông Borisov.
Tuyên bố của các quan chức Nga vào thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tăng chi quân sự để phục hồi sức mạnh quân sự Nga sau nhiều năm chi ít tiền cho mảng này.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea khiến có xung đột với phương Tây về chuyện Ukraine, máy bay ném bom tuần tra gồm Tu-160 thường bay dọc không phận châu Âu.
Đây là kiểu máy bay siêu thanh cánh rộng, nhằm phóng vũ khí hạt nhân tới những mục tiêu địch ở khoảng cách xa.
Chỉ có 15 chiếc Tu-160 được sản xuất trước khi Liên Xô sụp đổ, và từ đầu những năm 1990 chỉ sản xuất 1 chiếc. Theo TASS, không quân Nga hiện sử dụng 15 chiếc.
Từ sau đó, vài chiếc hiện có được nâng cấp hiện đại, nhưng dây chuyền sản xuất Tu-160 ở xí nghiệp sản xuất máy bay Kazan (thuộc nước cộng hòa Tatarstan) lại lặng im.
Vào cuối tháng 04.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã yêu cầu tái sản xuất Tu-160 tại Kazan, ngoài việc duy trì và hiện đại hóa máy bay tầm xa. Ông nói Tu-160 đi trước thời đại hàng chục năm và tiềm năng của nó vẫn chưa được khai thác hết: “Hiện nó là máy bay ném bom siêu thanh tốt nhất”.
Giám đốc của Kazan cho biết: kế hoạch hiện đại hóa 16 máy bay Tu-160 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019, thay vì năm 2020 như dự kiến trước đó.
Báo cáo từ nhà máy Kazan cho biết, quá trình hiện đại hóa máy bay Tu-160 gồm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 đang được hoàn thành, gồm việc tăng cường trang bị vũ khí cho máy bay, mang theo 12 tên lửa hành trình tầm xa và bom dẫn đường bằng laser.
Tuy nhiên, việc Nga định mua thêm 50 chiếc Tu-160, số phận của PAK DA đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Một phần vì nếu cùng lúc thực hiện cả hai chương trình có cùng chức năng sẽ là một sự lãng phí ngân sách vô cùng lớn.
Với việc Nga tái khởi động dây chuyền sản xuất Tu-160 vào năm 2023, nhiều chuyên gia quốc phòng nhận định: dự án siêu máy bay ném bom thế hệ mới PAK DA có thể sẽ bị hủy vì thiếu tiền.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang cố gắng khôi phục lại sức mạnh quốc phòng của mình nhưng với chi phí thấp nhất có thể được.
PAK DA được thiết kế để thay thế Tu-160, và theo những thông tin trước đó thì tới năm 2023, Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt PAK DA.
United Aircraft Corporation, tập đoàn được giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển và sản xuất PAK DA và Tu-160 thế hệ mới, từ chối bình luận về số phận của PAK DA.
Các máy bay ném bom PAK DA có thể trở thành một phần đặc biệt của Không quân Nga trong những năm 2023-2025, thay thế các máy bay ném bom Tu-160, Tu-22M3 “Backfire” và Tu-95 “Bear” hiện có.
Ngoài Tu-160 và PAK DA, quân đội Nga cũng lên kế hoạch nâng cấp máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5, được gọi là PAK FA, sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2016.
“Chúng tôi đang hoàn thành các bài kiểm tra máy bay và bắt đầu từ năm 2017, chúng sẽ lần lượt được nâng cấp và sản xuất,” đại tướng Bondarev cho biết và nhấn mạnh: “PAK FA hoàn toàn không thua kém máy bay chiến đấu F-22 và F-35, thậm chí còn vượt qua chúng trên các thông số thực tế”.
Việc tăng chi quân sự đã giúp tăng tốc sức mạnh không quân Nga. 130 máy bay ném bom siêu thanh ngăn chặn Mikoyan MiG-31 đã được nâng cấp. Hồi tháng 12.2014, không quân Nga nói sẽ nhận thêm 150 chiếc máy bay mới và trực thăng trong năm 2015, gồm các chiến đấu cơ Su-30 đa năng, MiG-29, máy bay ném bom-chiến đấu Su-24 và chiến đấu cơ Su-35.