Người đầu tiên cấy phôi thành công
Trưa 15/6, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ – TP.HCM) cho biết đã thực hiện cấy phôi thành công cho trường hợp mang thai hộ đầu tiên. Hiện tại, vẫn chưa biết, người mang thai hộ có đậu thai hay không. Sau 14 ngày cấy phôi, người mang thai hộ tái khám thì mới có thể xác định chính xác.
Người nhờ mang thai hộ là một Việt kiều Mỹ. Chị lấy chồng được gần 10 năm. Khi biết không thể mang thai tự nhiên, vợ chồng chị đã nhờ đến các biện pháp y tế. Chị từng nhiều lần thụ tinh nhân tạo cả ở Mỹ lẫn Việt Nam nhưng không thành công.
Mới đây, biết, pháp luật Việt Nam đã ban hành luật cho phép mang thai hộ nên chị trở về nước nộp đơn. Do đáp ứng đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ của chị đã được chấp thuận.
Bệnh viện Từ Dũ đã cấy phôi thành công cho trường hợp mang thai hộ đầu tiên |
Chị đề cập và được em họ đồng ý mang thai hộ. Người phụ nữ này đã có hai con và hiện tại đang sinh sống tại Việt Nam. Sau khi cấy phôi thành công, cả hai chị đều trở về nhà. Riêng người nhờ mang thai hộ đã trở về Mỹ.
Bác sĩ Tuyết cho biết, bệnh viện đã tư vấn cho khá nhiều cặp vợ chồng có mong muốn nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, do pháp lý khá khắt khe nên hiện tại chỉ có bốn hồ sơ được đăng ký. Trong đó, đến nay, chỉ mới có một bộ hồ sơ của người phụ nữ Việt kiều được duyệt.
Bác sĩ cho rằng, việc cho mang thai hộ là nhân văn. Hiện nay, có khoảng 7% cặp vợ chồng đang độ tuổi sinh sản hiếm muộn. Trong đó, có nhiều trường hợp, người chồng có tinh trùng tốt, người vợ cũng có trứng bình thường, nhưng tử cung người vợ không thể làm tổ được. Việc cho mang thai hộ sẽ là niềm vui của nhiều cặp vợ chồng. Họ sẽ có con đúng như gene di truyền.
Hiện tại, y tế trong nước đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật việc mang thai hộ. Tuy nhiên, những cặp vợ chồng có mong muốn nhờ mang thai hộ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện sức khỏe, pháp lý thì mới được phê duyệt hồ sơ. Ngoài ra, một trở ngại khác là người nhờ mang thai hộ không phải lúc nào cũng tìm được người mang thai hộ.
9 lần thụ tinh bằng Tây y bất thành
Tại Hà Nội cũng có khá nhiều cặp vợ chồng đến bệnh viện Phụ sản Trung ương tư vấn về việc nhờ mang thai hộ. Trong đó, có ba cặp vợ chồng đã tìm được người đồng ý mang thai hộ là chị gái, em gái hoặc em dâu. Có một cặp vợ chồng đã hoàn tất toàn bộ hồ sơ, kiểm tra sức khỏe chờ ngày cấy phôi. Hai trường hợp còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn tất thủ tục.
Trường hợp hoàn tất hồ sơ nhờ mang thai hộ đầu tiên ở Hà Nội là cặp vợ chồng làm việc văn phòng. Họ kết hôn đã được 8 năm. Chừng một năm sau khi kết hôn, người vợ mang thai nhưng gặp phải trường hợp lưu thai. Chị đi khám, bác sĩ thông báo bị vô sinh thứ phát.
Nhiều chuyên gia nhận định, pháp luật cho mang thai hộ mang tính nhân văn |
Với mong muốn tìm kiếm một đứa con, chị chữa trị bằng Đông y. Sau một năm, tình hình vẫn không có gì biến chuyển, lại mang nhiều tác hại nên chị chuyển sang chữa bằng Tây y.
Chị thực hiện uống thuốc, làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị từng thực hiện thụ tinh nhân tạo 6 lần, thực hiện thụ tinh ống nghiệm 3 lần. Trong đó, vào cuối năm 2013, chị cũng đã đậu thai. Nụ cười chưa kịp tròn môi thì chị lại phát hiện trường hợp lưu thai. Lúc này, chị đi khám, bác sĩ thông báo, cổ tử cung bất thường, không có khả năng mang thai.
Vào giữa năm 2014, vợ chồng chị từng nghĩ đến việc nhờ người mang thai hộ nhưng lúc đó luật chưa được chấp thuận. Ngay khi luật mang thai hộ được thông qua, chị nộp hồ sơ và được chấp thuận.
Người đồng ý mang thai hộ là em dâu của chị. Khoảng chừng đầu tháng 7, việc cấy phôi sẽ được thực hiện. Người mang thai hộ đang có hai con.
Mang thai hộ là dùng biện pháp kỹ thuật lấy trứng (noãn) của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy vào tử cung của một người phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con. Người mang thai hộ có họ hàng trong phạm vi ba đời với người nhờ mang thai hộ; Đang trong độ tuổi sinh sản; Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về viêc bảo đảm sức khỏe và đủ điều kiện để mang thai và sinh con;Có sự đồng ý của cả hai vợ chồng trong trường hợp người mang thai hộ đã kết hôn. Chi phí điều trị, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam (cho thuốc và thủ thuật) khoảng 2000 - 3000 USD/lần. Chi phí này ở những nước trong khu vực dao động khoảng 8000 -12.000 USD. |
Theo Khám Phá