Tham nhũng vặt tăng

Thứ tư, 15/04/2015, 09:15
50% người dân được hỏi cho rằng có đưa lót tay để xin việc làm trong cơ quan nhà nước, khoảng 43% bệnh nhân hoặc người nhà phải bồi dưỡng cho cán bộ y tế, 30% phụ huynh bồi dưỡng giáo viên…

Ngày 14-4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố kết quả cuộc khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 (PAPI 2014).

Người dân có tâm lý cam chịu

Theo công bố, tình hình tham nhũng vặt có chiều gia tăng. Kết quả nghiên cứu, đánh giá của người dân về tình trạng tham nhũng trong khu vực công cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền là “ít có chuyển biến tích cực”. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước là “có xu hướng gia tăng”.

Bà Lê Thị Ninh (phải), tự xưng là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đã lừa đảo và chiếm đoạt hàng tỉ đồng của nhiều người muốn xin vào cơ quan nhà nước làm việc Ảnh: Tuấn Minh

TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc CECODES, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất bởi có gần 50% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở nơi họ sinh sống.

Để được phục vụ tốt hơn ở bệnh viện công lập tuyến huyện, khoảng 43% người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân đã phải chi trả tiền bồi dưỡng thêm cho cán bộ y tế. Để con em nhận được sự quan tâm tới chất lượng học tập ở trường tiểu học, có tới 30% số phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên. Khoảng 33% số người xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014. “Những con số này cho thấy xu hướng gia tăng hiện tượng tham nhũng vặt so với khảo sát PAPI năm trước đó” - TS Giang đánh giá.

Lý giải về nguyên nhân tham nhũng vặt không suy giảm mà còn có dấu hiệu tăng, TS Đặng Hoàng Giang cho rằng phần lớn những người nhận tham nhũng không hề chịu một hậu quả nào, thậm chí họ còn coi số ít đồng nghiệp khước từ tham nhũng như những người gàn hay đạo đức giả. Mặt khác, người dân sử dụng dịch vụ công thường không đủ dũng cảm để là những người đầu tiên “bước ra ngoài cuộc chơi”. Người dân có tâm lý cam chịu vì họ nghĩ rằng cái vòng tròn khép kín này quá mạnh, họ lẻ loi và không thể nào phá được nó. Họ không tin là sẽ được bảo vệ nếu phá nó.

Tỉ lệ tố cáo tiêu cực thấp

Theo khảo sát, chỉ khoảng 2,96% số người đã từng bị cán bộ, công chức vòi vĩnh đưa hối lộ dám tố cáo các hành vi tiêu cực này, trong khi theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng (điều 279 Bộ Luật Hình sự), nhận hối lộ mức 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, theo khảo sát, khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong dân dường như gia tăng theo thời gian.

Về số tiền đòi hối lộ phải lớn tới mức nào thì người dân bắt đầu tố cáo cán bộ UBND xã/phường hoặc công an xã/phường vòi vĩnh, trung bình toàn quốc, mức tiền đó tăng mạnh từ 5,52 triệu đồng năm 2011 lên 8,89 triệu đồng năm 2014. Kết quả khảo sát ở chỉ tiêu này năm 2014 cho thấy người dân Lào Cai có khả năng chịu đựng tham nhũng cao hơn bởi giá trị trung bình khi họ bắt đầu tố cáo hành vi vòi vĩnh của cán bộ chính quyền cấp cơ sở là 16,8 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thấp nhất toàn quốc là 3,04 triệu đồng ghi nhận ở Hậu Giang.

Khảo sát cũng chỉ ra năm 2014, trên toàn quốc có 39,7% số người được hỏi cho biết chính quyền nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương. Có 4 nguyên nhân người dân chịu đựng tham nhũng mà không tố cáo: Hơn 56% cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì; 7,7% sợ bị trả thù; 9% cho rằng thủ tục tố cáo rườm rà và 7,3% không biết tố cáo bằng cách nào.

Chính quyền cần “soi lại” mình

Dù đưa ra những con số như vậy song PAPI cũng khuyến cáo: Khảo sát tiến hành trong năm 2014 với quy mô ở hơn 13.000 người dân. Chỉ số PAPI đo lường phản ánh những vấn đề mang tính cấu trúc được người dân trải nghiệm trong quá trình tương tác với các cấp chính quyền và thực tế sử dụng dịch vụ công. Mục tiêu duy nhất của nghiên cứu PAPI là cung cấp dữ liệu thực chứng để các cấp chính quyền “soi lại” và điều chỉnh phương thức điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn